Như chúng ta biết, mấu chốt của sự nảy sinh cảm xúc nơi bé nằm ở việc xử lý các mối quan hệ cá nhân. Điều này hết sức quan trọng đối với việc giải quyết xung đột, hợp tác và duy trì sự lạc quan, cũng rất có ích cho sự gắn kết của các bé. Dù cao hay thấp, ở mức độ nào đó, chỉ số EQ của bé sẽ chịu ảnh hưởng từ yếu tố di truyền. Nhưng, quá trình giáo dục sau này và kinh nghiệm khi trưởng thành còn quan trọng hơn. Cha mẹ có thể thông qua các phương pháp dưới đây để tăng chỉ số EQ của bé.
#Lấy mình làm gương, cố gắng biểu đạt và điều tiết cảm xúc sao cho phù hợp trước mặt con
Nếu cha mẹ thường hay nổi trận lôi đình, bé sẽ khó lòng học được cách khống chế cảm xúc. Nếu bé lớn tiếng cãi lại, cha mẹ còn lớn tiếng hơn, thì chỉ càng gây ra cảnh tượng “sư tử Hà Đông”. Khi đối diện với một đứa trẻ lớn tiếng làm ồn, không chịu nghe ai dạy bảo, cha mẹ có thể yên lặng nhìn bé, để bé từ từ bình tĩnh lại, sau đó nói với bé: “Vừa rồi, con ồn ào như vậy, mẹ không vui chút nào.” Cách làm này của cha mẹ là tấm gương phản chiếu rất tốt, cho bé biết rằng, khi không vui thì làm ầm ï cũng không giải quyết được gì. Mà thay vào đó, bé phải tìm môt cách thể hiện phù hơp.
#Thường xuyên chia sẻ với con những trải nghiệm cảm xúc
Cha mẹ thường xuyên lấy chủ đề cảm xúc để giao tiếp với bé, giúp bé chuyển sự chú ý từ những vấn đề gây căng thẳng sang những việc vui vẻ. Hoặc cha mẹ thông qua việc nói về những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực để giúp bé hiểu về cảm giác sợ hãi, bị ngăn cản và thất vọng.
Cha mẹ nhất định phải nói với bé về những cảm nhận chân thực của mình. Khi chán nản, mẹ có thể nói với bé: “Mẹ chán quá! Mẹ cần yên tĩnh một chút. Con tự chơi đi nhé!” Khi buồn, mẹ cũng đừng vội lau nước mắt nếu thấy bé, mà nên cho bé biết về nguyên nhân khiến mình buồn.
#Giúp con phân biệt những cảm xúc của mình
Bé thường mơ hồ dùng tâm trạng “không vui” để thể hiện hầu hết các cảm xúc tiêu cực. Thực tế thì “không vui” cũng có rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, như “thất vọng , “lo lắng”, “căng thẳng”, “ghen tị”, “phẫn nộ”, “áy náy”,v.v…Tâm trạng khác nhau có những tên gọi khác nhau, từ đó có những cách giải quyết khác nhau. Việc cha mẹ tâm sự với con cái không những giúp bé nắm được kỹ năng giao tiếp thành thạo, mà còn đưa bé tham gia vào quá trình suy đoán cảm xúc – tức là phán đoán nguyên nhân và kết quả của cảm xúc.
MÁCH NHỎ
Nhiều bé hay nói: “Các bạn không chơi với con, con rất bực mình” kèm theo đó là phản ứng “chiến hay chạy”. Thực ra, khi ôm hy vọng rồi lại bị từ chối, do nguyện vọng bị tan vỡ, bé sẽ cảm thấy thất vọng. Lúc này, mong muốn thực sự của bé là: Hy vọng được tham gia vào trò chơi. Cha mẹ có thể giải thích cho bé hiểu: “Lần này các bạn từ chối chỉ là vì bây giờ, các bạn chưa đồng ý thôi, chứ không phải là sẽ mãi mãi không đồng ý, càng không chứng tỏ là các bạn không thích con. Nếu bằng lòng, con có thể bắt đầu lại. Con có đồng ý cùng mẹ nghĩ cách thuyết phục các bạn không?” Thông qua cách giải quyết như vậy, bé sẽ có cơ hội xử lý cảm xúc một cách hợp lý hơn, đồng thời có cơ hội thỏa mãn nhu cầu thực tế của bản thân.
#Giúp con tự tin
Chúng ta đều biết, trẻ thiếu tự tin khó lòng tự mình giải quyết xung đột, càng khó kiểm soát cơn tức giận. Bé luôn cảm thấy: “Mọi người thấy con yếu ớt, nên đều cố tình bắt nạt con!” Còn với trẻ tự tin, khi xảy ra xung đột với người khác, phản ứng đầu tiên là rất tò mò: “Con muốn biết vì sao bạn ấy lại có ý kiến khác?” Có thể thấy rằng, phản ứng của các bé rất khác nhau. Vì vậy, hãy động viên và khẳng định bé, từ đó giúp bé thêm phần tự tin. Như vậy, EQ của bé sẽ cải thiện đáng kể.
#Coi trọng tác động cảm xúc giữa con và bạn cùng chơi
Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới tác động cảm xúc giữa bé và bạn cùng chơi, khuyến khích bé học cách chia sẻ, tận dụng triệt để quá trình giao lưu giữa bé và các bạn để rèn luyện cho bé kỹ năng giao tiếp. Đồng thời, đừng quên khích lệ bé chủ động giúp đỡ, quan sát nhu cầu tìm hiểu cảm xúc của người khác, khi cần thiết thì ra tay hỗ trợ.
Tận dụng truyện tranh để nói với con về các chủ đề liên quan đến cảm xúc một cách hợp lý.
Thông qua những câu chuyện thú vị và tình tiết gần gũi với cuộc sống, nhiều bộ truyện tranh miêu tả sinh động cảm xúc của các bé, ví dụ như Cookie và Mẹ Tạp Dề, Chú Hổ Ma Thuật, v.v…
Sau khi đọc truyện xong, cha mẹ có thể cùng bé nói về sự vui vẻ hay giận dữ của nhân vật chính trong truyện. Thử hỏi bé xem: “Nhân vật trong truyện vì sao lại có cảm xúc như vậy?”, “Bạn ấy đã giải quyết như thế nào?” Từ đó, giúp bé nhận biết, lý giải cảm xúc, làm cơ sở để sau này, bé biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân tốt hơn.
— Trích Bộ Sách “Yêu con như thế là vừa đủ” – Tập “Cho con tự lập – Cẩm nang nuôi dạy trẻ 5-6 tuổi”