Yêu thương và tự do: Khởi đầu của giáo dục

sach yeu thuong va tu do

Maria Montessori là người phụ nữ Hà Lan đầu tiên tốt nghiệp trường đại học Y khoa Ở Roma, Ý. Bà đã có một khoảng thời gian dài làm việc với trẻ em và nghiên cứu các phương pháp giáo dục mầm non.

Cuối năm 1906, bà được mời làm người điều hành tổ chức các ngôi trường dành cho trẻ tuổi mầm non (trẻ từ 3-6 tuổi)với tên gọi Casa dei Bambini_Ngôi nhà trẻ thơ.

Trong quá trình xây dựng những Ngôi nhà trẻ thơ, bà có thêm nhiều cơ hội được trực tiếp quan sát nhiều đặc tính tự nhiên của lứa tuổi mầm non. Từ đó hình thành nên phương pháp giáo dục mang tên mình. Phương pháp giáo dục Montessori. Những triết lý đằng sau phương pháp này, tôi diễn đạt lại bằng cách hiểu của mình như sau:

“Trẻ em có đủ tất cả những khả năng cần thiết cho sự phát triển trí tuệ của chúng, tất cả những gì mà người lớn có thể mang lại là cung cấp cho chúng một môi trường để những năng lực tiềm tàng đó có thể phát triển. Người lớn không cần phải tham dự quá nhiều, không cần phải hướng dẫn hay uốn nắn quá nhiều. Chỉ cần một môi trường đủ tốt trẻ sẽ giống như cây trong vườn, sẽ dùng những năng lực trí tuệ bên trong mình, vươn theo nắng mà lớn lên.”

Nếu như bạn cũng có một đứa trẻ trong nhà mình, hãy dành thời gian tìm hiểu qua về phương pháp giáo dục này. Những cuốn sách của bà đều đúc kết từ những quan sát thực tế những đứa trẻ trong Ngôi nhà trẻ thơ. Có lẽ, bạn sẽ nhận ra mình đã từng có những quan niệm sai lầm về bọn trẻ con như thế nào.

Nhưng hãy để tôi có một lời khuyên dành cho bạn, thay vì bắt đầu với những cuốn sách do chính Montessori viết, hãy bắt đầu với cuốn Yêu thương vàTự do của Tôn Thụy Tuyết. Bởi vì nội dung trong những cuốn sách do bà Montessori viết, theo cảm nhận của tôi, dù thực sự rất bổ ích và cần thiết, thì ít nhiều vẫn mang tính học thuật, nên mới đầu sẽ khó nắm bắt. Nhưng, tôi tin rằng, những nội dung trong cuốn sách Yêu Thương và Tự Do của Tôn Thụy Tuyết thực sự sẽ đi thẳng vào trái tim bạn. Mà hễ bất cứ điều gì làm ta cảm động, ta sẽ dễ dàng tiếp thu hơn. Sau khi đã nắm bắt những nội dung cơ bản từ cuốn sách này, rồi hẵng tiến sâu hơn tìm hiểu phương pháp Montessori cũng chưa muộn.

sach yeu thuong va tu do

Tôn Thụy Tuyết, tác giả cuốn sách, là chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục mầm non nổi tiếng của Trung Quốc và bà cũng làm việc hàng chục năm tại Ngôi nhà trẻ thơ.

Đây không hẳn là chỉ cuốn sách tham khảo giáo dục dành cho các bậc cha mẹ có con nhỏ. Cuốn sách dành cho bất cứ ai muốn biết về những điều cốt lõi, quan trọng nhất của giáo dục. Và giáo dục thì luôn cần cho mọi thời điểm trong đời.

Trong suốt hơn 22 chương sách, tác giả sẽ chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và quan sát của mình về giáo dục mầm non theo tinh thần của Maria Montessori. Trong quá trình mô tả sự giáo dục trẻ, tác giả cũng cho thấy tại sao người lớn lại có cách hành xử không đúng với trẻ con. Tại sao các bậc cha mẹ luôn một mực khẳng định mình yêu thương con cái, nhưng không ít đứa trẻ không cảm thấy được tình yêu ấy.

Nhận thức, tình cảm của trẻ phát triển như thế nào

bản thân chúng (trẻ) ẩn chứa một sức mạnh và tiềm năng tinh thần vô cùng to lớn, đủ sức để phát triển mà không cần người lớn phải thêm vào bất cứ nội dung mới nào, mà chỉ cần cung cấp cho chúng một môi trường và điều kiện để phát triển”.

Theo Montessori trẻ ở tuổi 0-6 tuổi không cần phải được giáo dục tri thức quá nhiều bằng lời nói. Trẻ học bằng cách cảm nhận trực tiếp. Trẻ dùng toàn bộ cơ thể mình để hấp thu những điều mới mẻ từ bên ngoài. Sự phát triển của trẻ bắt nguồn từ cảm giác. Trí tuệ của trẻ được dẫn dắt bởi những cảm giác: Thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, thính giác.

Chúng ta học hỏi bằng cách tiếp nhận thông tin, và nguồn cung cấp thông tin cho trẻ chính là những giác quan của con.

Quá trình học hỏi của giai đoạn này diễn ra trong im lặng, vô hình. Chính vì vậy, rất dễ bị bỏ qua. Nếu như đang hướng dẫn một đứa trẻ lên 10 làm một bài toán, bạn sẽ biết những phương thức của mình có kết quả như thế nào. Nhưng với một đứa trẻ sơ sinh phát triển trí tuệ bằng cảm giác của chúng, bạn sẽ không nhìn thấy bất cứ điều gì ngay tức khắc. Trong khi chúng ta, bao bọc toàn thân những đứa trẻ sơ sinh vì sợ chúng lạnh, sợ chúng sẽ bệnh. Thì chúng ta cũng không hề biết rằng, mình đang cản trở chúng được cảm nhận thế giới thông qua cơ thể mình, cản trở chúng vận động để phát triển. Khi bạn cố ngăn con đưa mọi thứ vào miệng vì sợ bẩn, thì bạn vừa tước đi quyền tự do của trẻ, vừa ngăn trẻ khám phá sự vật bằng vị giác. Chúng không thể nói cho bạn biết, rằng con đã học được mỗi vật có một vị riêng. Và bọn trẻ cũng không thể nói được với bạn rằng bạn đã làm sai cách.

Cách học của trẻ hoàn toàn khác với người lớn chúng ta. Nhưng chúng ta dùng bản thân mình làm khuôn mẫu của trẻ, bắt trẻ phải học tập theo cách mà chúng ta tin là đúng.

Khi trẻ không có cảm giác, chúng ta không ngừng ép buộc trẻ, dạy cho trẻ thứ này thứ kia, có người còn nói quá nhiều. Khi trẻ đang có cảm giác nào đó, chúng ta không những không nhận ra cơ hội, mà lại quấy rầy trẻ, phá hoại cảm giác của trẻ. Như thế, sự quan sát và cảm giác nội tại của trẻ sẽ dần dần mất sạch trong quá trình ép buộc đó”

Ôi! Tôi hoàn toàn không biết mình đã làm bao nhiêu điều ngu ngốc với bọn trẻ rồi nữa.

Tình yêu thương thực sự

Đó là khi ta yêu trẻ vì trẻ là chính trẻ. Không phải vì con xinh đẹp, tài năng, không vì con đạt được thành tích cao, không vì con răm rắp nghe lời…

Nếu như bạn nói với trẻ rằng trẻ ngoan nên được yêu. Trẻ sẽ thắc mắc, liệu khi con không ngoan con có được yêu hay không. Thỉnh thoảng, những đứa trẻ ngoan ngoãn nhất cũng sẽ cố làm sai một lần. Chỉ để tin rằng mình luôn được yêu bất kể mình tốt xấu thế nào.

Sâu thẳm trong tim mỗi người chúng ta luôn khát khao một tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ mình.

“Cha mẹ yêu con vì con là con.” Không biết bao nhiêu người có thể òa khóc khi nghe được câu nói này từ cha mẹ mình.

Không ai có thể nghi ngờ tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái. Nhưng các bậc cha mẹ nên yêu như con thế nào?

Yêu thương là hành động

Nếu như hôm nay, bạn yêu con bằng cơm no áo ấm, bằng hằng ngày hai buổi đến trường, bằng những yêu cầu bài tập nọ bài thuộc lòng kia, bằng những yêu cầu, những lời chỉ trích, phê phán. Nếu như suốt những năm tháng ấu thơ cho đến khi trưởng thành, các bậc cha mẹ chỉ giữ những lời yêu thương hay những cử chỉ bày tỏ tình cảm lại ở trong lòng. Làm sao trẻ con học được để có thể thể hiện tình yêu của chúng ra bên ngoài.

Luôn luôn, cho dù trong lúc trẻ phạm lỗi, hãy thể hiện tình yêu đó bằng lời nói, bằng cử chỉ, đừng chỉ giữ lại ở trong lòng. Ngoài kia, bên ngoài mái nhà của trẻ, bao nhiêu bão giông đang chờ sẵn, nếu như gia đình không phải là nơi luôn sẵn sàng dành cho trẻ một tình yêu vô điều kiện thì còn ở đâu có thể.

Yêu thương không phải chỉ là hành động.

Mà là từng hành động nhỏ nhặt nhất.

Ngay cả lúc trẻ phạm lỗi. Hãy nói “ba/mẹ luôn yêu con, nhưng việc này không được làm”.

Tác giả đã rất nhiều lần đề cập đến những ví dụ mà trong đó những bậc phụ huynh chưa thực sự trưởng thành, chưa dành tình yêu thực sự cho con. Mà thậm chí là lợi dụng con để bù đắp những tổn thương bị dồn nén từ thời thơ ấu của họ. Nếu như cha mẹ đã từng không được đánh giá đúng, luôn cảm thấy giá trị của mình thấp kém, họ sẽ chỉ trích những lỗi lầm của con mình chỉ để tự có cảm giác mình giỏi hơn.

Cuốn sách sẽ cho bạn thấy, có khi trong những hành động hay lời nói bình thường nhất, cũng có thể là khiến trẻ trở thành công cụ cho phục vụ lợi ích tinh thần nào đó của người lớn.

Trong khi các bậc cha mẹ giận dữ vì mình đã dốc lòng dốc sức lo cho con mà con lại không ngoan ngoãn. Thì con trẻ cũng một lòng dành trọn tình yêu và sự tin tưởng dành cho cha mẹ nhưng ngày qua ngày lại chịu tổn thương vì chính cách yêu “thương cho roi cho vọt” của cha mẹ.

     “Nếu bạn yêu con, hãy để con được sống trong vui vẻ”

Yêu thương con là một quá trình dài mà khởi đầu là bạn phải biết yêu thương chính mình. Nếu không, thay vì tập trung vào con, vào những cảm nhận hay suy nghĩ của con. Bạn lại biến con thành người bù đắp cho những thiếu thốn tình thương của mình.

Nếu bạn dành thời gian ngẫm nghĩ một chút, dành thời gian thấu suốt những điều từ sâu thẳm trong tim mình. Về những mong mỏi chính bạn muốn nhận được cha mẹ mình. Thì bạn sẽ nhận ra, con cần điều gì ở bạn.

Bao nhiêu tự do cho đủ,

Khi chúng ta nhận thức tự do là được thoát khỏi sự ràng buộc nào đó. Thì theo Montessori tự do là một phẩm chất. Một cảm giác đến từ bên trong, khi người ta hoàn toàn thư thái làm điều gì đó mà không thấy rằng mình đang phải làm vì điều này, vì điều kia. Làm vì làm chứ không phải làm vì bất cứ lý do gì cả.

Tự do hành động. Chúng ta phải tránh việc cố ngăn cản những hành động tự phát của trẻ. Thay vào đó hãy cố gắng tìm hiểu hành động của con, những mục đích ẩn đằng sau mỗi hành động, những thôi thúc từ bên trong khiến con hành động. Và hỗ trợ con bất cứ khi nào con cần.

Mỗi đứa trẻ có những giai đoạn phát triển riêng, không giống nhau, Montessori gọi là “những giai đoạn nhạy cảm”. Bạn không thể cố ép con học ngôn ngữ khi con chưa đến giai đoạn nhạy cảm ngôn ngữ, bạn không thể ép con biết về những con số khi con chưa đến giai đoạn nhạy cảm toán học.

Khi những giai đoạn nhạy cảm đến, bên trong trẻ sẽ có một nguồn năng lượng giúp trẻ tiếp thu và thực hành những hiểu biết về từng lĩnh vực. Và quá trình này đôi khi diễn ra hàng tháng trời. Có trẻ lặp đi lặp lại việc thực hành một thao tác mỗi ngày, ngày này qua ngày khác. Chắc hẳn, chúng ta sẽ thấy chán nản và phiền phức, nhưng nếu bạn ngăn trở con, bạn sẽ không biết mình đã cướp mất cơ hội học hỏi của con.

Thực sự thì, để có thể làm được điều này. Các bậc cha mẹ hãy luôn sẵn sàng “rước lấy phiền phức”. Vì những hành động mang tính học tập, khám phá của trẻ con dưới con mắt nhìn của người lớn sẽ trở thành hành vi phá hoại.

Khi con học các thao tác mới, con không có khái niệm về sự thất bại hay bỏ cuộc, hay nghĩ là mình đang phá hoại. Con trẻ chỉ đơn giản làm đi làm lại cho đến khi thành thục.

Tất cả những gì mà chúng ta có thể làm là kiên nhẫn quan sát, thư thả mà chịu đựng.

Đừng đánh đồng tự do với vô kỷ luật.

Khi được phát triển trong một môi trường hoàn toàn tự do, trẻ có thể tự mình hình thành nên những ý niệm kỷ luật riêng. Vì yêu thích nên muốn làm, khi làm đi làm lại sẽ khiến trẻ nhận ra được quy luật của mọi sự vật. Từ đó hình thành nên nhưng nguyên tắc nội tại của chính mình. Và vì là những kỷ luật được xây dựng từ bên trong nên chúng hoàn toàn tự nhiên, không gò ép. Còn điều gì hạnh phúc hơn khi có thể tự mình làm tuân theo chính mình.

Đừng áp đặt những quan niệm về tự do của mình lên con trẻ.

Quá trình trưởng thành trong sự ngăn trở, gò ép, bị bắt buộc của chúng ta đã làm ta nghĩ rằng tự do là “thả cửa”, nằm ườn cả ngày, chơi bời cả ngày. Còn trẻ con, một khi đã được ở trong một môi trường được phép làm bất cứ điều gì mình thích. Trẻ hoàn toàn không thích sự lười biếng. Thậm chí nghỉ ngơi là một hình phạt. Trẻ tìm thấy niềm vui trong quá trình tập trung khám phá mọi vật. Trẻ hoàn toàn vui sướng với quá trình học tập và thực hành theo sự dẫn dắt từ bên trong thì không việc gì phải dành thời gian để vòi vĩnh, làm phiền người khác. Kỷ luật sẽ tự nhiên đến khi có tự do hoàn toàn.

“Khi được cung cấp đầy đủ điều kiện cho việc phát triển trí lực, tất cả trẻ em đều đặc biệt nổi bật về trí tuệ, bình tĩnh và giữ kỷ luật”

Môi trường xung quanh trẻ nên như thế nào để tốt nhất cho sự phát triển của trẻ,

Montessori là một trong những phương pháp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của môi trường bao quanh trẻ.

Môi trường dành cho trẻ là một môi trường tự nhiên, chân thực, đẹp đẽ. Ngoài những quy định cơ bản, trẻ không được thô bạo với người khác, không được đánh mắng người khác, không làm phiền người khác, và phải đưa đồ vật về đúng nơi, đúng chỗ. Trẻ hoàn toàn tự do làm bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào.

Và giáo viên trong Ngôi nhà trẻ thơ là thành phần quan trọng nhất trong môi trường của trẻ. Luôn luôn trong trạng thái không ngừng phát triển, không ngừng hoàn thiện.

Người lớn ở trong mong trường của trẻ chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ, chứ không dạy dỗ, uốn nắn trẻ. Thực ra thì, nói xa hơn một chút, không có điều gì cản trở sự sáng tạo của một người hơn là việc bị dạy dỗ bởi người khác.

Kết

Không ai có thể thực hành việc gì một cách hoàn hảo ngay từ bước khởi đầu. Đặc biệt là trong nghề làm cha mẹ. Cho dù có là chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào đi chăng nữa, các bậc cha mẹ sẽ luôn là những kẻ khờ trong những vấn đề với con cái. Hãy luôn sẵn sàng thay đổi. Khi trở thành cha mẹ, hay giáo viên của trẻ, bạn cũng không thể chắc chắn rằng mình đã trưởng thành hay chưa. Hãy để con trẻ dẫn dắt bạn, dành cho trẻ sự lắng nghe và chú tâm nhiều nhất có thể. Cho con yêu thương và tự do nhiều nhất có thể, nói với con về những luật lệ và đòi hỏi ít nhất có thể.

Nguồn: Sách đến rồi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *