Review sách “Warren Buffett: Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ”

review sach qua trinh hinh thanh nha tu ban my 01

Vào năm 1942, khi lần đầu tiên được hỏi : Warren, Tại sao cháu lại muốn kiếm nhiều tiền đến như vậy? Buffett, khi ấy mới 12 tuổi, đã trả lời: “Cháu không muốn tiền. Cháu muốn tận hưởng niềm vui khi kiếm được tiền và nhìn chúng sinh sôi nảy nở.”

Bạn có biết mình muốn gì vào năm 12 tuổi không? Có lẽ là sẽ nhiều người trả lời có.

Bạn có đang giữ ước muốn đó cho đến tận bây giờ không? Nếu có, bạn có nghĩ mình sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi mình 87 tuổi không (trong trường hợp bạn vẫn còn sống đến tuổi đó).

Ở thời điểm hiện tại, Warren Buffet, 87 tuổi, được xem là nhà đầu tư thành công nhất. Và tất cả những gì ông làm trong suốt hàng mấy thập kỷ qua là, như những gì ông đã nói lúc mình 12 tuổi, kiếm tiền và nhìn tiền sinh sôi nảy nở.

Nhưng sự thật còn đáng kinh ngạc hơn, ông đã bắt đầu kiếm tiền từ khi là cậu bé 5 tuổi.  Và từ đó đến nay, chưa hề dừng lại, không có bất cứ điều gì ngăn trở được ông kiếm tiền.

Bạn sẽ đọc được trong hàng tá tá bài báo viết về Warren Buffett những danh sách về đặc điểm nổi bật, thú vị, đáng ngạc nhiên trong tính cách và sự thành công trong đầu tư của ông. Vậy cuốn sách này thì sao? Tại sao phải đọc cuốn sách này trong khi người như Warren Buffett được báo chí nhắc đến hàng ngày. Bạn sẽ đọc được gì trong cuốn sách: Warren Buffett: Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ?

Review sach qua trinh hinh thanh mot nha tu ban my

Đây là một cuốn tiểu sử, nhưng hơn cả một cuốn tiểu sử, đó là một cuốn giáo trình về những nguyên tắc cơ bản của đầu tư, triết lý kinh doanh chính trực, và những điều cốt lõi của chủ nghĩa tư bản đều được thể hiện qua chính cuộc đời lăn lộn kiếm tiền của Warren Buffett.

Vốn là người có rất ít ý niệm về kinh doanh và tích lũy tiền bạc nhưng tôi đặc biệt hứng thú với vị tỷ phú này. Đó là nhờ một lần vô tình đọc được một cuốn sách mỏng, ghi lại những lời châm ngôn súc tích, rất thú vị và đầy cảm hứng của ông, cuốn Đạo của Warren Buffett. Nên tôi tò mò muồn biết nhiều hơn về cuộc đời của ông. Cuộc đời của một trong những người giàu có nhất nhưng luôn được ca ngợi là người có lối sống giản dị nhất.

Nếu như bất chợt nhìn thấy tựa đề cuốn sách ở đâu đó. Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ mua cuốn sách này về đọc. Bởi vì tựa đề: Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ, đối với một kẻ mù kinh tế như tôi thì nó quả là điều gì đó quá xa vời và to tát. Nhưng vì đã có chủ đích tìm hiểu về cuộc đời ông nên tôi đã thử đọc bản ebook của cuốn sách. Và ngay sau khi đọc chương đầu tiên thì tôi phải mua bản giấy để đọc cho bằng hết. Đây là cuốn tiểu sử đầu tiên mà tôi đọc một lèo đến trang cuối cùng, mặc dù nó không hề ngắn, tới hơn 700 trang.

Thật đúng như tựa đề cuốn sách. Cuộc đời ông, gần như là một ví dụ mộc mạc dễ hiểu cho câu hỏi: Bằng cách nào để trở nên giàu có theo một cách cơ bản nhất, gần với những nguyên lý của tư bản chủ nghĩa nhất? Quá trình đi lên từ hai bàn tay trắng của Warren Buffett chính là câu trả lời cho bất cứ ai muốn biết.

Trong giai đoạn đầu đời, gia đình ông phải trải qua một thời kỳ rất khó khăn về tài chính. Nên từ rất sớm, ông đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải sở hữu thật nhiều tiền. Ông đã làm qua rất nhiều việc để kiếm tiền từ khi mới năm tuổi.

Năm 13 tuổi, ông đã bắt đầu hoạt động kinh doanh thực thụ với công việc giao báo. Bắt đầu bằng việc giao cho một tờ Washington Post, rồi hai tờ, rồi năm tờ. Rồi giao cho năm trăm gia đình mỗi tuần. Bắt đầu từ các tòa nhà chung cư, rồi mở rộng ra trong cả khu dành cho những người giàu có. Những ý tưởng để tăng năng suất làm việc, những cách thức để tránh rủi ro mà cậu bé Warren Buffett đã làm vượt quá hình dung hạn hẹp của tôi về tư duy kinh tế một đứa trẻ tuổi thiếu niên.

Năm 20 tuổi, khi học chương trình sau đại học ở trường kinh doanh Columbia, New York, Buffett lần đầu tiên “chạm tới” chân lý về đầu tư từ người thầy Benjamin Graham, tác giả cuốn sách Nhà đầu tư thông minh.

Graham là người đầu tiên xem “Cổ phiếu là một phần của công ty mà giá trị của nó theo thời gian, sẽ phản ánh giá trị thực của toàn bộ công ty đó.” Và ông đã dạy học trò mình cách thức “Làm thế nào đề xác định giá trị hợp lý của một công ty khi khai thác những tài liệu do chính nó phát hành.” Buffet luôn khắc sâu nguyên tắc của Graham

Đầu tư khi giá cả đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực, và tin tưởng vào xu hướng của thị trường là điều chỉnh sự sai lệch đó.”

Điểm cốt lõi trong nguyên tắc của Graham đó là đầu tư theo giá trị và chú trọng lợi ích mang tính dài hạn. Đã có lần, Buffett dành phần lớn vốn trong quỹ mà mình quản lý để đầu tư vào một công ty và phải đến 1 thập kỷ sau, số cổ phiếu đó mới mang lại lợi nhuận

Trong cuốn sách Tư duy, Nhanh và Chậm, nhà tâm lý học Daniel Kahneman cho biết con người có hai cơ chế tư duy đó là Tư duy nhanh: tự động, vô thức, có tính bản năng và Tư duy chậm: chủ động, logic, mang tính lý trí. Và phần đông hành động của con người sẽ bị chi phối bởi Cơ chế tư duy nhanh. Nhưng Warren Buffett gần như là một điển hình của người có khả năng tư duy theo lối tư duy chậm.

Ông vận dụng sự logic và tuân thủ nguyên tắc đến mức thượng thừa. Trong sự nghiệp hoạt động chứng khoán cũng khi điều hành tập đoàn Berkshire Hathaway, những quyết định đầu tư của ông không hề dựa theo số đông, không dựa vào những bào báo, những dự đoán của chuyên gia, không một chút nào. Warren Buffett cũng không cố tự mình dự đoán thị trường. Bất cứ khi nào muốn ra quyết định mua một cổ phiếu của công ty nào đó, ông sẽ đọc và phân tích các bảng báo cáo tài chính, bảng biểu thống kê của công ty, đánh giá xem cổ phiếu đó đang được định giá cao hơn hay thấp hơn giá trị của chính nó. Ông ghi nhớ từng con số, từng cổ phiếu mà mình đã đọc, rồi chỉ chờ cho đến khi nó hạ giá đến một mức mà ông cảm thấy thích hợp, ông sẽ ngay lập tức mua vào. Và ông, luôn tin tưởng theo những gì mà Graham đã nói: “Giá sẽ luôn theo kịp giá trị”. Warren Buffett luôn tránh cho mình khỏi bị tác động từ tâm lý đám đông của phố Wall, với tâm thế ” Hãy sợ hãi khi người khác khi người khác tham lam, và tham lam khi người khác sợ hãi” đã có ít nhất là hai lần quyết định của ông gần như đi ngược lại với phần còn lại của phố Wall và kết quả đã cho thấy là ông đúng.

Khởi đầu sự nghiệp quản lý quỹ đầu tư của mình, Buffett gần như là một bản sao của Graham Benjamin, nhưng dần dà, ông đã có những bước đi sai khác và tiến xa hơn người thầy của mình rất nhiều. Trong khi Graham chỉ chú trọng đến việc tìm kiếm những cổ phiếu rẻ đến mức không thể lỗ, thì Buffett còn lưu tâm đến khả năng sinh lời của nó. Graham chỉ chú trọng đến những phần có thể đo đếm được, những phần hiện rõ trong sổ sách như nhà xưởng hay sản phẩm của một công ty, còn Buffet để ý đến cả những yếu tố phi vật chất như sự uy tín và tiềm năng phát triển của một công ty. Tuy thành công và giàu có hơn Benjamin Graham nhưng đối với ông những nguyên tắc về đầu tư của Graham vẫn rất giá trị.

Buffett cũng không cố che giấu những bí quyết đầu tư thành công của mình. Bất cứ ai cũng có thể đầu tư như cách mà ông làm. Ông luôn chia sẻ những triết lý của mình cho mọi người trong những cuộc nói chuyện, trong những bài báo cáo thường niên gửi cho cổ đông và cũng khuyến khích người khác dùng cách của mình. Nhưng một điều không thể chối cãi là sẽ có rất ít người, nếu như không nói là không có, đạt được thành công như ông bằng cách sử dụng chính cách thức của ông trong cùng lĩnh vực. Ông là một sự kết hợp hoàn hảo của: ham muốn kiếm tiền tột độ, một trí thông minh với những con số, bảng biểu thống kê và năng lực tư duy logic cùng với sự kiên định duy trì những nguyên tắc cơ bản hàng mấy thập kỷ.

Cuốn sách sẽ hữu ích dành cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ. Không chỉ theo dấu những sự kiện nổi bật trong cuộc đời Warren Buffet nhưng tác giả thậm chí còn điểm qua những thời khắc thăng trầm trong lịch sử từ thập niên 30s cho đến cuối thập niên 90s của thế kỷ 20. Riêng tôi, thành thực mà nói, đọc hết cả cuốn sách thì tôi chỉ hiểu sơ về khái niệm cổ phiếu là gì. Nhưng, cuốn sách mang lại cho tôi nhiều hơn những bài học về chứng khoán

Cuốn sách chứa đựng bài học dành cho những ai muốn sống với đam mê. Warren Buffett ham muốn kiếm tiền từ rất sớm, nhưng ông không kiếm tiền vì muốn hưởng thụ cuộc sống giàu sang phú quý. Ông không đánh đồng khái niệm giàu có với hạnh phúc.  Dù khi đã cực kì giàu có, ông vẫn sống trong căn nhà ngoại ô mua từ năm 1957, vẫn lái chiếc xe ô tô cũ kỹ, vẫn trung thành với món bánh mì kẹp thịt và thức uống ưa thích Coca Cola của mình, vẫn giữ thú vui đánh bài cùng những người bạn và dự cuộc gặp mặt của những người học trò Benjamin Graham mỗi năm. Cuộc sống hạnh phúc đối với ông là được yêu thương những người mà mình muốn yêu thương, và theo đó thì cho dù không cần có rất nhiều tiền ông vẫn hạnh phúc.

Tiền bạc, ở một mức độ nào đó, có thể đưa bạn đến với những môi trường thú vị hơn. Nhưng nó vẫn không thể thay đổi được việc bạn có bao nhiêu người yêu thương hay bạn có mạnh khỏe không.

Warren Buffet kiếm tiền vì đam mê của ông là kiếm tiền. Nó không đơn giản là khát khao, mà giống như là nỗi ám ảnh phải kiếm tiền và giữ tiền.

Điều quan trọng mà tôi muốn nói đến ở đây là cuốn sách sẽ mô tả lại cho bạn quá trình lao động và nghiên cứu miệt mài của ông để đạt được mục đích của mình như thế nào. Ông không đơn giản là lao ra đường và thực thi bất cứ cách thức nào để kiếm được tiền. Ông tập trung nghiên cứu hàng trăm cuốn sách, ông đọc hàng trăm trang sách và nghiền ngẫm chúng mỗi ngày trong hàng chục năm qua. Ông tìm cho mình những nguyên tắc đúng đắn và luôn giữ cho mình kiên định thực thi theo những nguyên tắc đó. Cả cách mà ông luôn giữ sự chính trực của mình khi đi qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong sự nghiệp thực sự khiến người khác cảm phục.

Hơn nữa, thái độ của ông đối với việc sử dụng tiền rất đáng học hỏi. Những guyên tắc của ông trong kinh doanh, không chỉ chú trọng đến việc tích lũy tiền mà cả việc tiêu tiền. Ông khuyên mọi người hãy cẩn thận để không phải mất tiền một cách lãng phí. Một khoảng tiền tiêu ra phải đảm bảo có thể sinh lời, đó là một trong những nguyên tắc làm giàu của ông. Một khoản tiền nhỏ ở hiện tại nếu như bị chi tiêu sai tức là sẽ làm mất khả năng có một khoảng tiền rất lớn ở tương lai (như 20 năm sau chẳng hạn) nếu tính theo lãi suất kép.

warren buffett va sach qua trinh hinh thanh nha tu ban my

Bạn chắc sẽ cảm nhận được rằng con người ông ở vai trò một nhà đầu tư rất đáng là một tấm gương. Nhưng một người đàn ông giàu có và thành đạt thì cũng vẫn là một con người bình thường theo nghĩa luôn có những mặt hạn chế trong nào đó cuộc sống.  Tác giả khắc họa lại con người ông ở cương vị nhà đầu tư thành công, nhưng vẫn không bỏ sót những khía cạnh quan trọng khác trong cuộc đời ông. Cuốn sách cung cấp những điểm quan trọng về bối cảnh ra đời của ông, những năm tháng tuổi thơ, cuộc sống gia đình với bố mẹ và hai chị gái và những người hàng xóm ở Ohama. Cho dù ở vai trò người chồng người cha trong gia đình, hay một người bạn, hay một con người thuộc về xã hội ông cũng không thể hiện bất cứ sự khác biệt nào so với con người mình khi là một nhà đầu tư. Dù không phủ nhận tình yêu của Warren Buffet dành cho gia đình và bạn bè, nhưng tác giả cũng cho thấy sự kiên định với những nguyên tắc trong đầu tư cũng ảnh hưởng đến cách mà ông thể hiện tình yêu với vợ và các con trong gia đình mình.

Đối với tôi, cuốn sách (bản tiếng Việt) là một sự kết hợp hoàn hảo của Cuộc đời của nhân vật chính cùng lối viết của tác giả và sự chuyển ngữ của hai dịch giả người Việt. Bằng một cách nào đó, có thể là ở cả câu chữ lẫn sự sắp đặt cùng với lời dẫn cho từng sự kiện, tác giả đã khiến cho một cuốn tiểu sử lại có phong cách giống như một tiểu thuyết nhiều chương hồi rất lôi cuốn và hấp dẫn. Như lời nhận xét được in ở bìa gấp của cuốn sách: “…chỉ cần đọc vài trang, bạn sẽ khó buông cuốn sách xuống…”. Còn Bill Gates thì viết: “Có rất nhiều cuốn sách viết về Warren Buffet và chiến lược đầu tư của ông, nhưng…. đây là cuốn đáng đọc nhất.”

Và cuốn sách này dành cho ai? Bởi vì không có cuốn sách nào thích hợp với tất cả mọi người. Nên tôi nghĩ không hẳn bạn sẽ thấy cuốn sách hấp dẫn như tôi cảm thấy. Nếu bạn là người thích đọc những câu chuyện cuộc đời của người khác đồng thời lại muốn có thêm hiểu biết về chứng khoán, về những biến động của thị trường chứng khoán Mỹ những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20 đến những năm 90s thì cuốn sách này dành cho bạn. Tác giả Roger Lowenstein, với kinh nghiệm của người làm báo tài chính nhiều năm, đã rất khéo léo trong việc đưa những sự kiện xảy ra trong đời Buffett vào đúng bối cảnh thực của nó, cùng những phân tích và đánh giá của bản thân khiến cuốn tiểu sử trở nên rất thú vị .

Tôi có một chút phàn nàn về chất lượng sách. Trong khi cuốn sách quá dày, bìa sách thì lại quá mỏng, phần kết dính giữa gáy với cả cuốn sách khá yếu ớt. Nên khi tôi chỉ mới đọc đến giữa thì cuốn sách đã bìa đi đằng bìa, sách đi đằng sách.

Nhưng dù sao, đây vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc.

Nguồn: Sách đến rồi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *