Giới thiệu sách
Tâm Trí Và Hành Vi Tội Phạm
Theo nhà triết học người Đức nổi tiếng thế kỷ 19, Friedrich Nietzsche, xấu xa là một trải nghiệm chủ quan, chứ không phải là một đặc tính gắn liền với một người, một vật hay một hành động. Cuốn sách “Tâm trí và hành vi tội phạm” sẽ tập trung khám phá một phần khoa học đằng sau ẩn ý này, từ một phổ khái niệm và quan niệm thường gắn với từ xấu xa. Đây là một nghiên cứu về thói giả nhân giả nghĩa của con người, sự phi lý của cái ác, sự điên rồ và đồng cảm thường thấy. Cuốn sách sẽ khiến bạn phải xét lại và định hình lại ý nghĩa về cái ác hay sự xấu xa.
Chúng ta không hề thích mọi người xung quanh mãi đánh giá mình dựa trên những hành vi mà chúng ta hối tiếc nhất. Thế nhưng chính chúng ta lại đang làm điều đó với người khác mỗi ngày. Khi ta nhìn thấy những sắc thái, hoàn cảnh và cả những khó khăn trong các quyết định của mình. Thế nhưng lại thường chỉ nhìn thấy kết quả của những quyết định của người khác. Điều này dẫn chúng ta đến việc sử dụng một thuật ngữ phiến diện duy nhất để miêu tả một người, bất chấp việc người đó là một tổng thể phức tạp. Kẻ sát nhân. Kẻ hiếp dâm. Kẻ trộm. Kẻ nói dối. Kẻ tâm thần. Kẻ ấu dâm. Đây là những cái nhãn mà chúng ta gán cho người khác, dựa trên nhận thức của chúng ta về việc họ phải là ai sau khi chúng ta chứng kiến hành vi của họ.
Chúng ta cố ý sử dụng một từ duy nhất để miêu tả tính cách thực sự của một người, miệt thị họ, nhằm truyền đạt đến những người xung quanh rằng người này không đáng tin cậy. Người này có thể gây hại. Người này hoàn toàn không phải là người – chẳng khác nào một kiểu bóp méo thực tế vô cùng khủng khiếp. Chúng ta nghĩ họ không đáng được cảm thông vì họ quá xấu xa, tới mức sẽ không bao giờ có thể hiểu được họ. Những người như vậy nằm ngoài sự thấu hiểu, không đáng được cứu rỗi, hay những kẻ xấu xa.
Bạn có phải là kẻ xấu xa không? Và nếu cái ác nằm trong tất cả chúng ta, thì nó có nên tồn tại không? Bộ não của bạn tương tự như thế nào với một kẻ thái nhân cách? Có bao nhiêu người có ảo tưởng giết người? Xu hướng tính dục của bạn có khiến bạn trở thành một người xấu không? Có lẽ tất cả chúng ta đều xấu xa. Hoặc, có lẽ không ai trong chúng ta xấu xa cả. Đây là một cuốn sách đầy ắp những thí nghiệm và lý thuyết, một cuốn sách hướng sự chú ý của chúng ta đến khoa học để truy tìm câu trả lời. Nó chia nhỏ khái niệm về cái ác, sự xấu xa thành nhiều mảnh và soi xét, nghiền ngẫm từng mảnh một.
Tất cả chúng ta đều có khả năng thực hiện hành vi giết người và những hành vi khủng khiếp khác, may mắn rằng hầu hết chúng ta đều có khả năng kiểm soát xung động ngăn cản chúng ta thực hiện những tưởng tượng đen tối của mình. “Tâm trí và hành vi tội phạm” cung cấp một cái nhìn tổng quan về các chủ đề quan trọng và đa dạng liên quan đến khái niệm tội ác hấp dẫn, quan trọng và thường bị bỏ qua.
VỀ TÁC GIẢ:
Tiến sĩ Julia Shaw là một giảng viên và nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trường Luật và Khoa học Xã hội, Đại học London South Bank, đồng thời là một trong số ít chuyên gia trên thế giới thực hiện nghiên cứu về những sai sót trí nhớ phức tạp liên quan đến các sự kiện cảm xúc cá nhân – hay còn gọi là những “ký ức sống động nhưng hoàn toàn không có thật”.
Tiến sĩ Shaw xuất bản nhiều bài viết khoa học trên các tạp chí học thuật quốc tế, xây dựng giáo trình, thường xuyên cộng tác với tạp chí khoa học nổi tiếng Scientific American, thỉnh giảng và tham gia thuyết trình tại các hội thảo trên khắp thế giới. Cô cũng giảng dạy các lớp ở bậc đại học và sau đại học, đồng thời đã thắng hai giải thưởng dạy học xuất sắc.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.