“Trên đời này, điều đáng sợ nhất là có mắt mà không nhìn thấy vẻ đẹp, có tai mà không nghe thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý” – Totto – Chan Cô bé bên cửa sổ.
Dường như, mỗi quyển sách với tôi điều chứa quá nhiều kỷ niệm, tôi chia kể đến nội dung quyển sách mà muốn nói đến người giới thiệu sách, người tặng sách. Totto – Chan bên cửa sổ là quyển sách mà một người bạn gái thân nhất với tôi khi còn học Đại học giới thiệu. Đôi lần bên tôi cô ấy hát:
Rồi cô ấy hát: “Totto – Chan Totto – Chan Totto – Chan bên khung cửa sổ…”
Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì về các từ này. Tôi thấy cô ấy rất vui nên cũng không hỏi thêm.
Có lần tôi đã nói:
“Chí thích dạy học và muốn sau này được dạy học!”
“Vậy thì Chí nên học thêm về kỹ năng sư phạm, phương pháp giáo dục.”
“Với Chí, những thứ đó là kiến thức chết. Kỹ năng sư phạm gần như là một năng khiếu còn phương pháp giáo dục thì với mỗi đứa mỗi kiểu. Phải tiếp cận thực tế mới học được.”
“Vậy Chí đọc Totto – Chan đi, Truyện Totto – Chan rất hay và ý nghĩa đó!”
Thế là tôi đến với Totto – Chan, một quyển truyện về tình yêu thương trong giảng dạy. Vì mục đích cuối cùng của tôi không phải là (cũng không bao giờ là) trở thành nhà giáo dục hay thay đổi nền giáo dục, tôi chỉ muốn trở thành một người Thầy bình thường mà thôi! Totto – Chan trong truyện, cũng như những Totto – Chan mà tôi đã dạy ngoài đời thực giúp tôi trở thành một người Thầy – bây – giờ như tôi mong đợi!
Có lẽ, việc tóm tắt nội dung câu truyện này là quá thừa. Quyển truyện không có ý chính, không có cốt truyện. Nội dung truyện theo dòng thời gian từng bước một thâm nhập vào người đọc, chính vì vậy mà bạn đọc có thể mua sách hoặc tìm ebook để đọc và cho mình một chuyến đi thú vị.
Trong truyện, bạn sẽ thấy một Totto – Chan rất đặc biệt! Đặc biệt đến mức phải bị đuổi học như đầu quyển sách đã kể, và khi bị đuổi học rồi cũng chẳng hay biết gì cả! Vậy những đứa trẻ như Totto – Chan có ngốc không? Những hành động như Totto – Chan có phải đáng chê trách đến mức phải bị đuổi học không?
Nếu đứng ở góc độ nhà trường thì những đứa trẻ như Totto – Chan “RẤT KHÁC” với những đứa trẻ khác và cần được giáo dục riêng! Nhưng, đáng buồn hơn nữa là nhà trường lại làm cho gia đình tin rằng “Totto – Chan cần được giáo dục riêng!” Nhưng vậy, chỉ vì một phong cách học tập đặc biệt, chỉ vì những cá tính lạ lùng, trường học đã không chấp nhận được và loại trừ những cá thể ấy đi! Rất may, với tình thương vô bờ bến của gia đình dành cho Totto – Chan, Mẹ của Totto đã tìm thấy một ngôi trường phù hợp với con mình. Đây là bài học rất lớn đối với các bậc cha mẹ:
“Đừng để một định kiến giáo dục biến đứa con tài năng của bạn thành đứa trẻ bỏ đi!”
Tôi khuyên gia đình: Sẽ có một môi trường nào đó, một người Thầy nào đó có khả năng khơi gợi những tài năng của con bạn bằng tình yêu thương.
Một ngôi trường mà những học sinh được “học theo cách chúng thích”, được phát huy tối đa sở trường của chúng mà không một kỷ luật nào kìm hãm những mong muốn học tập của các em ấy.
Điều bổ ích tiếp theo của tôi là Thầy hiệu Trưởng. Người thầy mà ngay buổi học đầu tiên đã có thể ngồi lắng nghe học trò mới của mình đến 4 giờ đồng hồ mà không phán xét, không cảm thấy nhàm chán, ân cần trong từng câu hỏi cốt để hiểu thêm học trò của mình. Quả thật đây là một người thầy tuyệt vời.
Cần nói thêm rằng: nhưng câu chuyện mà bạn đọc được, những nhân vật trong quyển sách đều có thật. Totto – Chan chính là Kuroyanagi Tetsuko tác giả quyển sách, ngôi trường toa tàu cũng có thật ở Nhật và người Thầy hiệu Trưởng chính là Thầy Kobayashi Sosaku, người xây dựng nền giáo dục vì trẻ em ở Nhật Bản. Dù thời gian tồn tại của trường khá ngắn, nhưng những học sinh trong trường sau này đã trưởng thành và thành công trong nhiều lĩnh vực mà hồi còn nhỏ chúng yêu thích.
Cũng là một người Thầy, tôi vô cùng xúc động khi cảm nhận được sự “độc đáo” trong phương pháp giáo dục riêng của Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Ấn tượng nhất là đoạn:
“Trên đời này, điều đáng sợ nhất là có mắt mà không nhìn thấy vẻ đẹp, có tai mà không nghe thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý”
Dường như, bất kỳ sự giáo dục nào từ gia đình đến nhà trường đều uốn nắn một đứa trẻ thành một “kiểu hình” khác mặc kệ cho “tính trạng” đã được quy định sẵn từ khi ra đời. Người lớn, tuy rằng bao giờ cũng có nhiều trải nghiệm, nhiều kiến thức nhưng cũng không ít những thành kiến. Chính những điều này dẫn đến sự so sánh giữa các đứa trẻ: Giỏi hơn, thông minh hơn, sáng tạo hơn,… Mặc dù ai cũng tự hào về con cái mình nhưng giá trị của chúng chưa bao giờ được chúng thể hiện. Dần dần những đứa trẻ “mất khả năng” nghe bằng tai chúng, suy nghĩ bằng não của chúng và đáng sợ nhất là không cảm nhận được trái tim của chúng mà trong các tình huống phải cảm nhận, phải phản ứng, phải hành động như số đông rồi cho rằng đó mới gọi là đúng đắn… Thật đáng buồn!
Tôi học được ở vị hiệu trưởng này các lắng nghe. Nghe để hiểu. Chỉ khi nào hiểu thì mới có thể thương, chưa hiểu được thì tình thương sẽ hời hợt. Tôi bắt đầu lắng nghe học trò mình nhiều hơn, cứ có cơ hội là tôi nói: “Con muốn người khác nghĩ gì về con?”, “Con sợ người khác nghĩ gì về con?”, “Con học bằng những cách nào?”… Từ đó, sự hiểu biết về cảm xúc về học trò của tôi tăng lên và quá trình giảng dạy được tốt hơn. Tôi ấn tượng nhất với những câu nói mang tính khích lệ của Thầy với Totto – Chan “Em thật là một cô bé ngoan”, không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong suốt thời gian Totto – Chan học ở trường Tomoe.
Cùng học trò tâm sự, kể chuyện cũng chính là dạy chúng cách giao tiếp và tương tác với mọi người, đặc biệt với những đứa trẻ khép kín, thiếu tự tin vì một khiếm khuyết nào đó. Ở Trường của Totto – Chan, các học sinh được học cách giao tiếp, tương tác bằng việc kể chuyện giữa giờ ăn trưa. Một cách tiếp cận rất tự nhiên và thú vị! Do vậy, thay vì nói “Con trình bày thầy nghe xem!”, thì tôi thay đổi thành “Con kể Thầy nghe xem nào?” Chỉ thay từ “trình bày” bằng từ “kể” thế mà cuộc giao tiếp đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Bạn cũng có thể thử cách này với con bạn, thay vì nói: “Hôm nay ở trường Cô dạy con cái gì?” hãy nói “Con kể mẹ nghe những gì con đã học nào!”… Thử nhé!
Cho tôi kể nốt một điều nữa về Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku nhé! Đó là việc chọn ngày “mùng ba tháng mười một” để tổ chức đại hội thể thao! Thật không thể tin được, Thầy của Totto – Chan kỹ càng đến thế, đi khắp mọi nơi để hỏi về một ngày trong năm mà ngày đó rất ít khi mưa. Và không phải ai cũng chu đáo để tổ chức một cuộc hội thao dành cho tất cả mọi người có mặt trong ngày hôm đó từ phụ huynh, học sinh như Totto – Chan, đến nhưng bạn khuyết tật của có thể tham gia hết mình và cảm thấy sự quan trọng của việc có mặt trên sân chơi. Thầy Hiệu Trưởng không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào cả! Tôi thấy rằng việc tìm ra được điểm mạnh, nỗi sợ hãi của học trò mình rồi hướng dẫn chúng cách để tận dụng điểm mạnh và vượt qua nỗi sợ hãi mới là điều quan trọng nhất.
Trên đây là một vài trong những bài học mà tôi học được sau chuyến đi. Có lẽ quan những chia sẻ của tôi, bạn sẽ thấy quyển sách này toàn nói về giáo dục và ít hấp dẫn với bạn hay con bạn! Nhưng không phải vậy đâu, vì tôi là một giáo viên, nên khi đọc quyển sách này tôi lưu tâm rất kỹ những phương pháp giáo dục ở trường Tomoe.
Còn với bạn, có thể bạn đã có con nhỏ thì bạn sẽ thấy được cách cư xử của Ba Mẹ với Totto – Chan khi Totto – Chan liên tục làm những điều quái gỡ so với những đứa trẻ khác như chui qua rào làm rách quần áo mới, khi nhảy vào giữa đống vữa xây nhà, khi bị Rocky cắn đến rách một bên tai,… Cách những cách cư xử mà phải chứa đựng tình thương “rất tâm lý” mới làm được. Chỉ riêng một điều là nếu Totto – Chan muốn làm một điều gì đó thì mẹ Totto – Chan sẽ không ngăn cản và sẽ chuẩn bị những gì mà một đứa trẻ không làm được để Totto – Chan có thể thực hiện ý muốn của mình, (dù cho có hậu quả xấu) thì cũng mang đến những bài học thực tế cho Totto.
Còn với những đứa trẻ ư, đây quả thật là một quyển sách tuyệt vời đấy. Totto – Chan cô bé bên cửa sổ đã trở thành quyển sách được yêu thích nhất không chỉ ở Nhật Bản, hay Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Vì sao lại như thế? Vì tác giả của quyển sách – Kuroyanagi Tetsuko đã là một người mang nền giáo dục tràn đầy yêu thương từ Trường Tomoe đi khắp nơi trên thế giới…
Lời kết:
Hãy đọc và trải nghiệm để phát hiện và yêu thương những “Totto – Chan” bên cạnh bạn.
Nguồn: Sách Đến Rồi