Trò Chơi Cho Con: Trò Vui Dễ Nhất Thế Gian Với Một Tờ Giấy
“Mẹ ơi, mẹ chơi cùng con đi, nhé mẹ?”
“Bố ơi, bố chơi cùng con được không?”
Cảm xúc của bạn như thế nào khi được con đề nghị chơi cùng? Bạn có vui mừng không? Hay bạn lo lắng và thở dài? Những lúc như vậy, nếu cảm thấy vui và hạnh phúc thì bạn là mẫu phụ huynh thích chơi với con, hoặc biết cách chơi cùng con. Ngược lại, nếu bạn muốn bỏ trốn, thở dài, lo sợ rằng mình sẽ phải tốn nhiều thời gian cho con thì có lẽ bạn là kiểu cha mẹ không biết cách chơi với con, quá mệt mỏi với những yêu cầu chơi bất tận của con; hoặc quá lo sợ con mải chơi mà chểnh mảng học hành.
Còn việc chơi thì sao? Nếu bạn là phụ huynh quan tâm đến việc chơi của con thì chắc hẳn bạn biết, “chơi” là một trong những yếu tố quan trọng không thể tách rời khỏi quá trình phát triển của trẻ. Nhưng trên thực tế, việc chơi hoàn toàn khác với những gì mà phụ huynh kỳ vọng.
Trẻ con cũng vậy. Không có nhiều đứa trẻ giỏi trong việc chơi. Dù bạn có cho con thời gian và hy vọng con sẽ thật vui vẻ, thế nhưng không phải lúc nào trẻ cũng biết chơi một cách sáng tạo hay chọn những trò kích thích phát triển trí tuệ, mà thực ra, trẻ chỉ đang chăm chăm chơi điện tử, hoặc dùng điện thoại thông minh mà thôi; hoặc không thì cũng cắm cúi vào những món đồ chơi đắt tiền đang thịnh hành khiến đầu óc trẻ mụ mị, đờ đẫn.
Nhưng “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, đứa trẻ vừa bị hớp hồn bởi những món đồ chơi mới lạ đó đã lại nhanh chóng chuyển mắt sang những món đồ chơi mới, rồi lẽo đẽo bám riết, mè nheo ăn vạ cha mẹ đòi mua cho kì được. Cho nên dù là món đồ chơi đắt tiền như thế nào đi chăng nữa, “tuổi thọ” của chúng cũng không vượt quá nổi một tuần. Phụ huynh tuy hiểu việc chơi có vai trò quan trọng để phát triển trẻ một cách toàn diện, thế nhưng thực tế việc chơi và chơi đúng nghĩa của trẻ hiện nay đang có một khoảng cách khá xa.
Cuối cùng, họ lại rơi vào vòng luẩn quẩn: mua đồ chơi cho con – con cả thèm chóng chán rồi tiếp tục đòi mua về những món đồ khác hấp dẫn hơn với giá cắt cổ. Phụ huynh bất đồng ý kiến trong việc mua đồ chơi và giáo cụ cho con khiến không khí gia đình trở nên ngột ngạt, đôi khi dẫn đến cãi vã.
Có những trò chơi mà ai cũng có thể học, vận dụng hoặc thay đổi một cách linh hoạt, những trò chơi được sáng tạo bởi chính những đứa trẻ sau khi va chạm thực tế sẽ chính là những trò chơi có thể gắn kết gia đình, kéo dài theo thời gian và giúp phát huy tính sáng tạo cua trẻ. Và những trò chơi đó đã được tác giả Lee Im-sook tổng hợp và viết ra trong “Trò chơi cho con: Trò vui dễ nhất thế gian với một tờ giấy”.
Mục lục:
Lời giới thiệu
Trò chơi của mẹ: Những trò chơi dễ nhất thế gian với một tờ giấy
Trò chơi của mẹ: Trò chơi sáng tạo hấp dẫn từ một tờ giấy
Trò chơi của mẹ: Trò chơi đầy tính xã hội giúp con trở thành đứa trẻ được hâm mộ
Trò chơi của mẹ: Trò chơi rèn luyện kỹ năng nói hay viết giỏi
Trò chơi của mẹ: Trò chơi toán học lý thú
Trò chơi của mẹ: Trò chơi khoa học diệu kỳ
Tài liệu tham khảo
Thông tin tác giả:
Lee Im-Sook Chuyên gia có kinh nghiệm hơn 2 vạn giờ tư vấn cho bà mẹ và trẻ em trong suốt 15 năm qua.
Trích đoạn:
Trò chơi bằng giấy cũng có tính sáng tạo ư?
Có thật là chơi với giấy có thể nuôi dưỡng tính sáng tạo không nhỉ? Theo từ điển, “tính sáng tạo” có nghĩa là “khả năng tạo ra cái gì mới, độc đáo và hữu dụng”. Nói một cách khác, đó là năng lực thoát khỏi tư duy truyền thống để sáng tạo nên một quan hệ mới, hoặc đưa ra một hay nhiều ý tưởng táo bạo khác thường. Bạn hãy căn cứ theo tiêu chuẩn này để rà soát một ngày thường nhật của con. Con bạn đã nghĩ ra cái mới như thế nào? Con có đang tạo ra cái gì độc đáo và có ích không? Những ý tưởng của con có bất ngờ xuất hiện khi cố gắng thoát khỏi quan niệm cố định truyền thống để liên kết với cái mới, tuy còn rối ren nhưng vẫn có cái gì đó rất thú vị không?
Thực tế là con không thể tự mình hoàn thiện bất cứ điều gì nên con cũng cảm thấy bế tắc khi cố gắng phát huy tính sáng tạo to lớn mà đôi khi người lớn cũng khó thực hiện. Thế nên, con ngó nghiêng quan sát xung quanh và bắt đầu tìm kiếm thông tin xem liệu ai đang sử dụng giáo cụ tốt, và giáo cụ tốt đó là gì. Có lẽ các bạn cũng đã từng trải nghiệm qua việc này. Dù bạn có sử dụng những giáo cụ và tài liệu học tập đắt đỏ nhằm phát triển tính sáng tạo cho con, nhưng bạn vẫn không thể thu được hiệu quả lớn.
Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này thì tôi mong rằng từ giờ trở đi, bạn hãy dành mối quan tâm tới những trò chơi với giấy. Có thể bạn vẫn nghi ngờ: “Chơi với tờ giấy có thú vị thật không?”, nhưng chỉ cần bạn chơi thử ba trò chơi thôi là bạn sẽ hiểu.
Bạn sẽ thấy là dù chỉ xuất phát từ một trò chơi đơn giản nhưng sẽ có biết bao nhiêu ý tưởng đa dạng được nảy sinh từ đây, và các con của bạn mới sáng tạo làm sao. Con sẽ nhanh chóng học được, hay tự tạo ra cách chơi mới để làm sao đặt được tờ giấy lên đầu mà không bị rơi, hay làm thế nào đặt giấy lên bụng mà vẫn có thể chạy nhanh được…?
Thế nhưng, nếu bạn là người cha người mẹ coi nhẹ con khi cho rằng những ý tưởng của con chẳng là gì to tát, hấp dẫn thì có một thứ các bạn cần phải kiểm điểm lại mình. Đó chính là tính sáng tạo của cha mẹ. Tôi sẽ kiểm tra nhanh tính sáng tạo của cha mẹ một cách rất đơn giản: Bạn nghĩ có bao nhiêu cách để có thể thay đổi hình dáng một tờ giấy khi chơi? Ban đầu có lẽ bạn sẽ chỉ nghĩ ra một vài cách. Nhưng cũng đừng vì thế mà hoài nghi tính sáng tạo của bản thân! Khi bạn động não suy nghĩ từng chút để tìm kiếm ý tưởng, thì dần dần bạn sẽ nảy ra nhiều cách hay hơn nữa.
Mỗi khi tôi tổ chức hội thảo dành cho cha mẹ không biết cách chơi cùng con, tôi đều yêu cầu họ tự lên ý tưởng mới cho các loại hình trò chơi bằng giấy. Họ đã lập thành nhóm 3 đến 4 người để thảo luận và trình bày các ý tưởng liên tiếp, và cuối cùng tạo ra hàng chục cách chơi khác nhau. Không chỉ một nhóm làm được vậy, mà có tới hàng trăm ông bố mà mẹ đều làm được như thế.
Các trò chơi sử dụng giấy khá linh hoạt, đa dạng. Cuốn sách này sẽ giới thiệu 7 cách chơi với tờ giấy nguyên bản mà không cần thay đổi hình dáng của giấy. Nếu chúng ta gấp lại, cắt, hay dán thì sẽ có thêm vô số những cách chơi khác nữa. Bước vào trò chơi, bạn sẽ nhận ra rằng thật kỳ diệu khi các ý tưởng cứ nảy sinh liên tiếp tự lúc nào không hay.
Thế nên, bạn hoàn toàn không cần lo lắng nếu bạn thiếu tính sáng tạo. Dù bạn chỉ bắt đầu từ những trò chơi đơn giản cũng đã đủ để bạn và con thỏa sức chơi mà không hề lo sợ thiếu các trò vui.
Người sáng tạo không phải là người tiêu thụ mà là người sản xuất. Tính sáng tạo chính là khả năng tìm ra cách chơi với một tờ giấy mà người khác không thể, tạo ra điểm chung từ các ý tưởng không có gì liên quan với nhau, kết hợp một cách đa dạng để sáng tạo ra trò chơi mới chứ không phải bị hút hồn vào các sản phẩm được làm sẵn để chỉ thực hiện hoạt động tiêu thụ. Trò chơi với giấy có khả năng làm tất cả điều này.
Con cái của chúng ta sinh ra đã có sẵn hạt mầm của năng lực sáng tạo. Mọi đứa trẻ đều có “lòng hiếu kỳ, nỗ lực, tập trung, nhiệt huyết” – những đặc tính của người sáng tạo. Nếu bạn muốn nuôi dưỡng tính cách này cho con mà đang hoang mang không biết phải làm gì thì bạn hãy bắt đầu với trò chơi bằng một tờ giấy. Những đứa trẻ lần đầu chơi với giấy sẽ cảm thấy hiếu kỳ và bị cuốn hút vào trò chơi, sẽ cố gắng nhiệt huyết chơi tốt đến cùng.
Trong quá trình này, trẻ có thể tự hình thành khả năng tập trung. Giấy có khả năng vô cùng vô hạn, ví dụ bạn chỉ cần vẽ một đường thẳng lên đó là trẻ đã có thể nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo vô cùng tận rồi. Giờ các bạn hãy tin tưởng con mình, hãy tin tưởng sức mạnh của trò chơi với giấy, và thử bắt đầu trò chơi này nhé!
TRÒ CHƠI: ĐẶT GIẤY LÊN BỤNG RỒI CHẠY
Đặt một tờ giấy mỏng lên bụng rồi chạy thì có rơi không nhỉ? Trẻ sẽ vô cùng ngạc nhiên và nhanh chóng bị hấp dẫn khi phát hiện ra tờ giấy không hề bị rơi nếu chúng cố chạy thật nhanh. Đây chính là cuộc thi chạy nhanh mà không đánh rơi mất giấy.
Cách chơi :
1. Cùng tham gia cuộc thi “Đặt giấy lên bụng rồi chạy” nào.
“Chúng mình sẽ tham gia cuộc thi ‘Đặt giấy lên bụng rồi chạy’ nhé!”
“Chúng mình phải làm gì để giấy không rơi nhỉ?
“Chúng mình phải chạy đến bức tường kia chạm tay vào bức tường rồi quay lại nhé!”
2. Cùng đặt ra quy định.
“Không được lấy tay giữ giấy.”
“Nếu giấy rơi, được nhặt lên chạy tiếp.”
3. Làm thế nào để chơi giỏi nhỉ?
“Mình muốn chạy nhanh mà tờ giấy lại cứ bị rơi suốt. Phải làm sao đây?”
“Chạy thế nào để giấy không rơi nhỉ?”
4. Hãy thử cách khác.
“Chúng mình thi đặt giấy lên mu bàn tay rồi chạy nhé!”
“Chúng mình thi để giấy lên đầu rồi chạy thử nhé!”
“Còn cách nào hay hơn không nhỉ?”
5. Chơi với con thật là vui.
“Mẹ không biết chơi với giấy lại vui thế này đấy. Con thì sao?”
“Con chơi giỏi thật đấy. Cũng rất cẩn thận. Giữ thăng bằng tốt nữa chứ.”
“Cái dáng con ưỡn bụng chạy trông dễ thương quá!”
Reviews
There are no reviews yet.