Giới thiệu sách
Tôi Ổn – Bạn Ổn
Gỡ bỏ gánh nặng “Tôi không ổn” từ tuổi thơ để sống hạnh phúc
Trong cuốn sách tâm lý học đại chúng kinh điển “Tôi ổn – Bạn ổn” (“I’m OK – You’re OK”), bác sĩ tâm thần Thomas Harris đưa chúng ta trở về với tuổi ấu thơ, lý giải nguồn gốc của những khuôn mẫu hành vi tiêu cực trong hiện tại, giúp hàng triệu người chưa-bao-giờ-thấy-mình-ổn trở nên ổn hơn.
Được phát hành lần đầu vào năm 1969, “Tôi ổn – Bạn ổn” đã được dịch ra 20 thứ tiếng với hơn 15 triệu bản in; đạt vị trí số 1 trong danh sách New York Times trong nhiều năm liền. Nó cũng đưa cụm từ “I’m OK – You’re OK” vào vốn từ vựng được sử dụng thường ngày trong văn hoá đại chúng của người Mỹ.
Ba trạng thái Cái Tôi của mỗi người
“Tôi ổn – Bạn ổn” sử dụng các nguyên tắc của Phân tích Tương giao (Transactional Analytics) – một học thuyết và phương pháp trị liệu tâm lý nổi tiếng, được xây dựng bởi bác sĩ, tiến sĩ Eric Berne.
Berne tin rằng bên trong mỗi người có sự hiện diện của những thực thể khác nhau, với những khuôn mẫu riêng về hành vi, lời nói, quan điểm, cảm xúc. Berne gọi đó là ba trạng thái Cái Tôi (ego states). Tại từng thời điểm, với cách kích thích khác nhau từ bên ngoài, các trạng thái Cái tôi này sẽ nắm quyền kiểm soát và chi phối cảm xúc, hành vi của con người. Chỉ khi kiểm soát được sự hiện diện của ba trạng thái này, con người mới được tự do hướng về hạnh phúc.
Trong đó, Cái Tôi Trẻ Em (C – Child) chứa những dữ liệu về trải nghiệm nội tâm của trẻ trong khoảng 5 năm đầu đời. Những dữ liệu trong Cái Tôi C hầu hết là cảm xúc, gồm hai mảng rõ rệt: sự vui tươi, phấn khởi, ấm áp đến từ những khám phá ấu thơ và sự sợ hãi, bất lực của một đứa trẻ bé nhỏ sống lệ thuộc. Nói như Harris, “trong mỗi người đều có một đứa trẻ giống như chính họ lúc lên ba”. Khi ta trưởng thành, Cái Tôi Trẻ Em vẫn có thể bị “câu ra” bất cứ lúc nào, phát lại những cảm xúc sợ hãi nguyên thuỷ mà chúng ta từng trải qua thời thơ ấu.
Còn Cái Tôi Cha Mẹ (P – Parent) của mỗi người được hình thành vào khoảng thời gian “khai sinh xã hội”, tức độ tuổi đến trường, và sẽ được điều chỉnh liên tục trong suốt cuộc đời (khi tương tác với những người uy quyền hơn mình). Cái Tôi P mang theo những dữ kiện được ghi nhận từ cha mẹ thực tế (hoặc người chăm sóc, giám hộ) của mỗi người. Bởi vì những dữ kiện từ cha mẹ thực tế cũng bao gồm ba trạng thái cái tôi của mỗi người họ, nên Cái Tôi P rất phức tạp và có thể vận hành sai chức năng (khi dữ kiện thực tế đã thay đổi). Cái Tôi P có đặc điểm chuyên quyền, quyết đoán, và độc đoán.
Cuối cùng Cái Tôi Người Lớn (A – Adult) được hình thành từ khi trẻ 10 tháng tuổi, đứa trẻ bắt đầu trải nghiệm năng lực vận động. Nó có thể thao tác với các đồ vật và bắt đầu hướng đến thế giới bên ngoài, tự khám phá. Khả năng tự-thực-hiện chính là sự khởi đầu của Cái Tôi này. Cái Tôi Người Lớn có dữ liệu độc lập với Cái Tôi Trẻ Em và Cái Tôi Cha Mẹ, có khả năng kiểm tra, chất vấn và điều chỉnh dữ liệu từ hai Cái Tôi kia, tạo ra trạng thái cân bằng. Một Cái Tôi Người Lớn lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đạt đến vị thế “TÔI ỔN – BẠN ỔN”.
Bốn vị thế sống và gánh nặng “TÔI KHÔNG ỔN”
Từ các nguyên tắc của thuyết Phân tích Tương giao, Harris phát triển lý thuyết về bốn vị thế sống, hay là cách con người cảm nhận về tương quan giữa bản thân và những người khác. Harris cho rằng phần lớn chúng ta trải qua tuổi thơ với cảm giác Không ổn trong Cái Tôi Trẻ Em. Trong mắt đứa trẻ lên ba, cha mẹ to lớn, vĩ đại, luôn đúng – cha mẹ rất Ổn. Bản thân đứa trẻ, vì vóc dáng nhỏ bé và sự vô lực của nó, tự thấy mình thấp kém hơn người lớn xung quanh – rằng nó KHÔNG ỔN.
Harris gọi cảm giác Không ổn này là “sản phẩm thặng dư của việc từng là một đứa trẻ”, là “tình thế lưỡng nan của tuổi thơ”. Ông cũng khẳng định “Những đứa con của những bậc cha mẹ ‘tốt’ vẫn mang theo gánh nặng của sự KHÔNG ỔN”.
“TÔI KHÔNG ỔN – BẠN ỔN” chính là một kết luận, một quyết định đầu đời của trẻ về vị thế sống của mình – cách nó cảm nhận về bản thân và những người khác. Nếu tiếp tục được duy trì, vị thế tiêu cực này sẽ khiến cuộc sống về sau của con người chìm trong khổ sở; họ nhìn nhận bản thân kém cỏi, không có giá trị và phải liên tục tìm kiếm tương tác kích thích và sự công nhận từ người khác – tất cả nhằm giảm tải gánh nặng đáng sợ của cảm giác KHÔNG ỔN.
Vị thế sống tiếp theo, “TÔI KHÔNG ỔN – BẠN KHÔNG ỔN” xuất hiện ở những đứa trẻ bị bỏ rơi, không được chăm sóc. Trong vị thế này, Cái Tôi Người Lớn ngừng phát triển và cá nhân rơi vào trạng thái thu rút và tuyệt vọng.
Vị thế thứ ba, “TÔI ỔN – BẠN KHÔNG ỔN”, là cái mà Harris gọi là vị thế của kẻ phạm tội, thường xuất hiện ở những đứa trẻ bị bạo hành nghiêm trọng. Người chấp nhận vị thế này không thể khách quan về bản thân và luôn đổ lỗi cho người khác. Họ “mù luân lý” và dễ sa vào các hành vi phạm tội.
Cuối cùng là vị thế “TÔI ỔN – BẠN ỔN”, cũng là mục đích mà cuốn sách này hướng tới. Đây là vị thế được chọn bởi Cái Tôi Người Lớn lành mạnh, được giải phóng, là vị thế duy nhất đảm bảo cho hạnh phúc con người.
Các vị thế sống tiêu cực đẩy ta vào tình trạng dễ tổn thương vì những phản ứng cảm xúc tiêu cực của Cái Tôi Trẻ Em và những dữ liệu rập khuôn trong Cái Tôi Cha Mẹ. Nó ngăn chúng ta giải quyết hiệu quả các vấn đề ở hiện tại, kết nối thân mật với người khác và sống cuộc đời hạnh phúc đích thực.
Bên cạnh đó, Harris còn khảo sát sáu cách con người cấu trúc thời gian sống, cũng chính là các dạng tương giao thường thấy nhất. Việc phân tích các tương giao này có thể cho chúng ta câu trả lời về một cuộc sống lành mạnh.
Thuyết Phân tích Tương giao cùng công cụ chính của nó là mô hình P-A-C đã trở thành trợ thủ đắc lực cho các nhà trị liệu, đặc biệt trong phương pháp trị liệu nhóm. Mô hình P-A-C của thuyết Phân tích Tương giao có thể tháo gỡ các vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa mọi cá nhân trong xã hội và cả các vấn đề về đạo đức.
Harris tin rằng bằng việc khám phá ba trạng thái Cái Tôi của bản thân và hiểu được những phán quyết xưa cũ, chúng ta sẽ tìm thấy tự do để thay đổi.
Nhận xét về cuốn sách Tôi Ổn – Bạn Ổn
“Tôi biết ơn bác sĩ Harris vì đã làm điều cần làm. Trong quyển sách này, ông đã làm rõ các nguyên tắc của thuyết Phân tích Tương giao bằng những ví dụ có sức thuyết phục, dễ hiểu và đã liên hệ chúng với những nghiên cứu rộng hơn, bao gồm các nguyên tắc đạo đức, theo một cách thức sâu sắc và tài tình.” – Tiến sĩ Eric Berne, người phát triển học thuyết Phân tích Tương giao
“Lâu lắm rồi tôi mới tìm được một cuốn sách tâm lý khiến mình thổn thức đến vậy. ‘Tôi ổn – Bạn ổn’ như một lời nhắc nhở về tính ứng dụng của lý trí và logic học trong việc gìn giữ các mối quan hệ. Đọc xong cuốn sách này, tôi đã có thể nói ‘Tôi ổn’ với lòng biết ơn sâu sắc, và vì thế, tôi muốn bạn cũng sẽ có trải nghiệm tuyệt vời này.” – Độc giả J.Jones chia sẻ trên Amazon.
“Cuốn sách này đã cứu vãn cuộc đời tôi. ‘Tôi ổn – Bạn ổn’ đã đến đúng vào thời điểm mà tôi trăn trở rất nhiều về những mất mát, cảm thấy vô định về cuộc đời của mình. Cuốn sách đã dạy tôi biết cách đặt Cái Tôi Cha Mẹ vào đúng chỗ, tận hưởng trọn vẹn Cái Tôi Trẻ Em của mình, và quan trọng hơn, là sẵn sàng để sống với Cái Tôi Người Lớn. Nếu mọi người cũng gặt được những giá trị như tôi đã tích lũy từ cuốn sách, tôi tin rằng cuộc sống của chúng ta sẽ dần trở nên hạnh phúc hơn.” – Độc giả Lorraine Fogg chia sẻ trên Amazon.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.