Giới thiệu sách
Sao Ta Làm Điều Ta Làm
Thấu hiểu động lực; Giải mã hành vi; Làm chủ cuộc đời – Quyển sách chứa đựng hy vọng, cho biết những gì chúng ta có thể làm với chính mình
Liệu rằng, mọi quyết định mà bạn đưa ra trong từng giai đoạn của cuộc đời có chính là từ niềm yêu thích, sự thôi thúc từ bên trong hay bị chi phối bởi các tác nhân bên ngoài?
Đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, chúng ta luôn vật lộn để đưa ra những lựa chọn. Khó phân định đâu là quyết định xuất phát từ việc bản thân muốn “chọn làm”, đâu là những quyết định bị kiểm soát “phải làm”.
Bắt nguồn từ trăn trở tương tự về việc tự chủ hay bị kiểm soát, Edward L. Deci cùng cộng sự của mình đặt ra câu hỏi: Tại sao trẻ em chào đời với thiên hướng khát khao học hỏi, chúng tò mò và hiếu kỳ với tất cả mọi thứ, thế nhưng tính hiếu kỳ và năng lực học hỏi này dần suy giảm khi bọn trẻ bước vào môi trường học đường? Bằng những nghiên cứu và quan sát của mình, Edward L. Deci đã cho ra đời quyển sách “Sao ta làm điều ta làm”, nhằm giúp giải quyết những trăn trở về động lực thúc đẩy hành vi con người thông qua các nghiên cứu về khía cạnh nền tảng của Tâm lý học hành vi: Động lực.
Edward L. Deci trình bày về động lực nội tại của con người xoay quanh sự phân biệt quan trọng trong hành vi, giữa việc nó là tự chủ hay bị kiểm soát. Tự chủ là hành động đúng theo cái tôi của bản thân, nghĩa là cảm thấy tự do và tự nguyện khi hành động. Ngược lại, bị kiểm soát nghĩa là hành động vì phải chịu áp lực. Khi bị kiểm soát, con người hành động mà không cảm thấy có sự tán thành của bản thân. Lúc này, những hành vi của họ không phải là biểu hiện của cái tôi, vì cái tôi đã bị kiểm soát và khuất phục.
Một hành vi được coi là lành mạnh, hiệu quả và có khả năng tự duy trì phải đến từ một động lực nội tại có tính tự chủ, hợp nhất với cái tôi của mỗi người. Hoạt động tự chủ đòi hỏi rằng một điều lệ hay quy tắc được nội hóa phải được chấp nhận là của bản thân bạn; điều lệ đó phải trở thành một phần trong bạn. “Yếu tố then chốt để xác định liệu con người có đang sống một cách tự chủ hay không là liệu họ có cảm thấy, tận sâu bên trong, rằng những hành động của họ là lựa chọn của chính họ hay không.”, Edward L. Deci nhấn mạnh.
Có nhiều hiểu lầm về những thứ có thể tạo động lực cho hành vi con người, trong đó hai hiểu lầm cơ bản nhất là phần thưởng và hình phạt. Hình phạt hiển nhiên là thứ có tính kiểm soát, và vì vậy nó làm xói mòn động lực. Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, phần thưởng là động lực bên ngoài, và nó cũng làm suy yếu động lực nội tại – sức sống, sự tự nguyện, tính chân thật và hiếu kỳ vốn nằm trong bản chất của con người.
Qua 13 chương sách, Edward L. Deci cùng cộng sự Richard M. Ryan, bước đầu xác định những điểm đối lập của sự tự chủ và bị kiểm soát, từ đó chỉ ra tầm quan trọng của tính tự chủ, nhu cầu tự chủ trong mỗi con người. Từ những nghiên cứu về động lực để xem xét mối quan hệ giữa sự tự chủ với trách nhiệm, khám phá sự khác biệt giữa động lực nội tại và ngoại tại, Edward L. Deci dẫn dắt độc giả một lần nữa suy ngẫm vấn đề thúc đẩy tính trách nhiệm trong cuộc sống, duy trì tính tự chủ giữa vô vàn sự kiểm soát để hướng đến cuộc sống tự do, hạnh phúc.
“Cuốn sách này chứa đầy hy vọng, vì nó cho biết những gì chúng ta có thể làm cho chính mình, cho con cái, nhân viên, bệnh nhân, học sinh và các vận động viên của chúng ta – đúng hơn là những gì chúng ta có thể làm cho xã hội”, tác giả khẳng định.
“Sao ta làm điều ta làm” không phải thần dược có khả năng cứu chữa cho cuộc đời của bất cứ ai, mà với những quan sát của mình, Edward L. Deci đã đưa ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề trăn trở trong hành vi con người. Theo ông, các giải pháp này tương thích với mỗi cá nhân trong việc quản lý bản thân, và chúng có thể áp dụng cho các vai trò giáo viên, nhà quản lý, cha mẹ, bác sĩ và huấn luyện viên.
Cách “chữa bệnh” bắt đầu từ việc hiểu về động lực của con người – ở mức độ có tính tự chủ và sử dụng những hiểu biết đó để quản lý bản thân hiệu quả hơn, kết nối và tạo ra những mối quan hệ bền chặt hơn, thúc đẩy sự tự chủ lành mạnh của bản thân và những người xung quanh để kiến tạo một cuộc sống ý nghĩa.
Trích dẫn sách Sao Ta Làm Điều Ta Làm
Nếu bạn trao thưởng cho con cái để chúng làm bài tập về nhà, thường thì chúng sẽ đáp lại bằng cách hoàn thành bài tập. Nhưng đây có phải là phương pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy hành vi? Không phải! – Đó là câu trả lời của nhà tâm lý học Edward L. Deci, người đã thách thức lối suy nghĩ truyền thống và chỉ ra rằng phương pháp này thực tế đang chống lại hiệu suất của hành vi. Cách tốt nhất để thúc đẩy con người – ở trường học, trong công việc, hay ở nhà – là khuyến khích ý thức tự chủ của họ. Giải thích vì sao một nhiệm vụ nào đó là quan trọng và rồi cho phép tự do cá nhân nhiều nhất có thể trong khi thi hành nhiệm vụ sẽ kích thích sự tận tâm và cam kết – và đây là phương pháp hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống tiêu chuẩn về phần thưởng và hình phạt. Theo Deci, chúng ta có mối quan tâm cố hữu với thế giới, vậy sao không nuôi dưỡng mối quan tâm này ở mỗi người? Thay vì hỏi “Làm thế nào tôi có thể thúc đẩy mọi người?”, chúng ta nên hỏi “Làm sao tôi có thể tạo điều kiện để mọi người thúc đẩy bản thân?”.
[…]So với sự kiểm soát ngoại tại, động lực nội tại gắn liền với trải nghiệm phong phú hơn, nhận biết sâu sắc hơn, sáng tạo nhiều hơn và cải thiện được khả năng giải quyết vấn đề hơn. Kiểm soát không những gây xói mòn động lực nội tại và sự chú tâm vào các hoạt động, mà rõ ràng chúng còn gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho hiệu suất của bất kỳ công việc nào đòi hỏi sự sáng tạo, nhận biết sâu sắc hay khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt – một tin xấu cho những ai tập trung vào lợi nhuận.
Mục lục sách Sao Ta Làm Điều Ta Làm
- Chương 1 Thẩm quyền và những sự bất mãn của nó
- PHẦN MỘT: TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ TỰ CHỦ VÀ BẢN LĨNH
- Chương 2 Tôi làm điều đó chỉ vì tiền
- Chương 3 Nhu cầu tự chủ cá nhân
- Chương 4 Động lực nội tại và ngoại tại
- Chương 5 Gắn kết thế giới bằng ý thức về năng lực
- PHẦN HAI: VAI TRÒ CỦA SỰ KẾT NỐI LIÊN CÁ NH N Chương 6 Sức mạnh bên trong của sự phát triển
- Chương 7 Khi xã hội ra hiệu Chương 8 Bản ngã trong thế giới xã hội Chương 9 Khi xã hội mục nát
- PHẦN BA: MỌI THỨ VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO
- Chương 10 Làm thế nào để thúc đẩy tính tự chủ
- Chương 11 Thúc đẩy hành vi lành mạnh
- Chương 12 Tự chủ giữa sự kiểm soát
- PHẦN BỐN: KẾT LUẬN
- Chương 13 Ý nghĩa tự do của con người
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.