Đọc Sách Cùng Con, Đi Muôn Dặm Đường
Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi đọc sách cho con nghe. Bởi nhờ đó, bạn sẽ có thể gắn kết sâu sắc với gia đình mình trong một xã hội bận rộn, tràn ngập công nghệ hiện đại như ngày nay. Và bạn cũng sẽ được thực sự ở bên con, kể cả sau khi con có thể tự đọc. Trong Đọc sách cùng con, đi muôn dặm đường, bạn sẽ tìm thấy niềm cảm hứng thực sự để bắt đầu phong trào đọc sách cùng con ở chính ngôi nhà của mình.
Cuốn sách sẽ giúp bạn khám phá ra cách:
- Chuẩn bị cho con hành trang giúp con học tập thành công
- Phát triển lòng vị tha và đồng cảm trong con thông qua các cuốn sách
- Tìm ra thời gian đọc sách cho con lúc con ở trường, tham gia thể thao và ăn tối.
- Chọn sách dựa trên sở thích và độ tuổi khác nhau của các con
- Biến việc đọc sách cùng con trở thành khoảng thời gian tuyệt nhất trong ngày của gia đình bạn
Đọc sách cùng con, đi muôn dặm đường cũng cung cấp một danh sách sách phù hợp cho con từ lứa tuổi sơ sinh cho đến vị thành niên. Ngạc nhiên vì những tò mò của tuổi tập đi tới những bướng bỉnh của tuổi mới lớn ở con, bạn sẽ khám phá ra những chiến lược thực tế để biến việc đọc sách cùng con trở thành một “nếp nhà” ý nghĩa. Đọc sách cùng con không chỉ có sức mạnh thay đổi gia đình bạn, mà còn thay đổi cả thế giới
Trích đoạn sách:
MƯỜI CÂU HỎI
Hãy sử dụng mười câu hỏi sau để bắt đầu cuộc trò chuyện sắp đặt hoặc tự nhiên về sách với con bạn. Dù có thể bám lấy mười câu hỏi này và có được vô số cuộc trò chuyện tuyệt vời với con, điều đó không có nghĩa đây là những câu hỏi duy nhất bạn có thể dùng. Bất kỳ câu hỏi nào có ba đặc điểm nêu trên đều là câu hỏi kích thích tư duy và sẽ giúp bạn có được cuộc thảo luận ý nghĩa với con.
Bạn sẽ thấy là cả mười câu hỏi này đều có ba đặc điểm đó: Chúng đều là câu hỏi mở, đều có thể dùng để hỏi về một cuốn sách bất kỳ dành cho bất kỳ lứa tuổi nào, và đều có thể sử dụng riêng lẻ hoặc chung với các câu hỏi khác. Hãy xem những câu hỏi này như những cánh cửa. Mở bất kỳ cánh cửa nào cũng có thể dẫn tới một cuộc thảo luận tuyệt vời, ý nghĩa. Vậy nên hãy chọn một cánh cửa đi – bất kỳ cánh cửa nào – và xem nó sẽ đưa bạn tới đâu!
CÂU HỎI 1#: Nhân vật muốn gì và tại sao anh ta/cô ta lại không có được điều đó?
Câu hỏi này sẽ đưa bạn vào trọng tâm cuốn sách ngay lập tức. Nhân vật chính của mọi câu chuyện đều muốn thứ gì đó nhưng không thể có được nó – ấy chính là mâu thuẫn. Có điều gì đó ngăn cản nhân vật đạt được thứ mà anh ta hoặc cô ta mong mỏi nhất. Thông thường, không có một câu trả lời đúng duy nhất cho câu hỏi này, và bạn không cần phải biết đâu là câu trả lời “tốt nhất” trước khi đặt ra câu hỏi đó. Trên thực tế, bạn có thể sẽ phải ngỡ ngàng với câu trả lời của con cho câu hỏi này.
Một trong những cuộc trò chuyện về sách lý thú nhất mà tôi có là sau khi đọc xong cuốn sách tranh Chú chuột Anatole (Anatole) với hai cô con gái tám tuổi và mười tuổi của tôi. Chuyện kể về một chú chuột ở Paris rất suy sụp khi biết rằng con người nghĩ về giống loài của cậu không ra gì. Cậu quyết tâm thay đổi điều đó bằng cách đóng góp điều gì đó cho con người để bù đắp cho việc lấy đồ trong nhà bếp mỗi tối. Sau khi đọc cuốn sách, tôi khá chắc rằng điều mà Anatole muốn chính là phẩm giá và sự tôn trọng, còn điều ngăn cản cậu có được điều đó chính là sự bất lực của cậu trong việc đền đáp. Về cơ bản, tôi cứ nghĩ đó là cuốn sách về đạo đức nghề nghiệp. Nhưng lúc tôi hỏi cô con gái khi ấy mới mười tuổi xem con nghĩ Anatole muốn gì, con bé đồng ý là Anatole muốn phẩm giá và sự tôn trọng, nhưng lại nói chính định kiến của con người về ý định của Anatole mới là điều cản trở cậu. Những suy nghĩ đó mở ra một cuộc trò chuyện lý thú chưa từng có giữa hai mẹ con, một cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn, phong phú hơn nhiều so với cuộc trò chuyện đáng lẽ sẽ xảy ra.
CÂU HỎI #2: Anh ta/Cô ta có nên làm điều đó không?
Nên là một từ có sức mạnh không tưởng – là từ nhất định phải cân nhắc kỹ, lập luận rõ ràng và có chứng minh. Câu trả lời có vẻ rõ ràng ở bề ngoài, nhưng hãy hỏi câu này một hoặc hai lần, bạn sẽ thấy ngạc nhiên trước những diễn biến vui vẻ diễn ra sau đó.
Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên mình nghe thấy câu hỏi này. Lúc đó, tôi đang tham dự một buổi hội thảo dạy viết cho trẻ. Người dẫn dắt buổi hội thảo đã hỏi những người tham dự xem Edmund có nên theo Phù thủy Trắng trong cuốn Sư tử, Phù thủy và Cái tủ áo (The Lion, the Witch andthe Wardrobe 1) của tác giả C. S. Lewis. Tất cả chúng tôi đều ngay lập tức quyết định rằng câu trả lời là không. Người dẫn dắt gợi ý câu trả lời cóthể là có – chúng ta thực sự không biết được cho tới khi đi theo dấu vết đó để biết nó dẫn ta tới đâu.
Một giờ tiếp theo, chúng tôi đã cân nhắc các lý do cho cả việc tại sao Edmund nên và không nên đi theo Phù thủy Trắng. Chúng tôi đã nghĩ ra rất nhiều câu trả lời cho cả hai trường hợp đến mức chính chúng tôi cũng phải ngạc nhiên, và chúng tôi thảo luận câu chuyện có thể đi đến đâu nếu Edmund chọn đi theo con đường khác. Trong suốt buổi thảo luận đó, chúng tôi đã đánh giá Edmund trên các phương diện phẩm giá, lòng dũng cảm và khả năng nhận biết hiểm nguy hay an toàn.
Khi buổi thảo luận kết thúc, tôi rất ngạc nhiên khi cả hai hướng tranh luận đều dẫn tới một kết quả là hiểu hơn về con người của Edmund và mục tiêu mà cậu nhất định phải đạt được. Dù lập luận chúng tôi đưa ra là gì – dù cậu nên hay không nên đi theo Phù thủy Trắng – chúng tôi cũng đi đến cùng một điểm, ấy là sự thật sâu sắc mà C. S. Lewis không thể không truyền tải trong câu chuyện được dẫn dắt tài tình của mình.
Khi buổi hội thảo tạm ngừng để nghỉ giải lao, tôi nhìn người bạn ngồi bên cạnh và cảm thán: “Vậy là câu trả lời đúng hay không không quan trọng – Edmund có nên hay không nên đi theo Phù thủy Trắng không quan trọng! Vì sự thật vẫn là sự thật, và dù thế nào thì nó cũng sẽ xuất hiện từ câu chuyện mà thôi!”
Tôi lấy làm thích thú. Tôi biết rằng câu hỏi “nên” sẽ đồng hành với tôi trong nhiều trải nghiệm đọc hơn nữa.
Để dùng câu hỏi này, hãy chọn bất kỳ nhân vật nào từ trong truyện và bất kỳ hành động nào của nhân vật ấy trong cuốn sách. Hãy hỏi con xem nhân vật đó có nên thực hiện hành động ấy không, và tại sao.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.