Combo Nghê Thuật Ăn Uống Lành Mạnh: Nào Tối Nay Ăn Gì? Thế Lưỡng Nan Của Loài Ăn Tạp + Bất Ngờ Lớn Về Chất Béo (Tặng Kèm Bookmark Green Life)
1, Nào Tối Nay Ăn Gì? Thế Lưỡng Nan Của Loài Ăn Tạp
Tối nay ăn gì?
Việc trả lời câu hỏi tưởng chừng đơn giản này mang đến một trải nghiệm thú vị, một hành trình hấp dẫn ngược xuôi theo các chuỗi thức ăn để khám phá ra chúng ta đang ăn những gì, chúng bắt đầu từ đâu và bằng cách nào tới được bàn ăn, hé lộ một sự thật bất ngờ, choáng váng: chúng ta đang ăn ngô và dầu mỏ, thay vì thưởng thức bữa tối miễn phí có nguồn gốc từ cỏ và tự nhiên. Hành trình này sẽ đưa chúng ta đến gần hơn sự hiểu biết sâu sắc về thứ chúng ta ăn – và rộng hơn, chính là thứ chúng ta nên ăn. Cuốn hút và khó quên, chân thực và giàu kiến thức, cuốn sách chắc hẳn sẽ thay đổi hoàn toàn lối sống của bất kỳ ai từng đọc.
Nào tối nay ăn gì? cũng là cuốn nhật ký tâm huyết của Michael Pollan. Với kinh nghiệm sinh động, kết hợp cùng vô vàn dẫn chứng thuyết phục, Pollan đã soi rọi đầy đủ những khía cạnh đạo đức, môi trường và xã hội ẩn trong cách chúng ta lựa chọn và chế biến thực phẩm.
2, Bất Ngờ Lớn Về Chất Béo
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA), thực phẩm có chứa chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu. Vì vậy AHA, cơ quan có thẩm quyền cao nhất về vấn đề này cảnh báo “Mức cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.” Quan niệm này lan truyền ra khắp thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20. Các chính phủ và giới y khoa đua nhau điều chỉnh khẩu phần của cả nhân loại với thông điệp: Ăn nhiều thịt, mỡ và bơ làm bạn… chết yểu!
Nhưng nếu điều đó sai thì sao?
Nhà báo Mỹ Nina Teicholz, bắt đầu từ băn khoăn này, đã bỏ ra 10 năm phân tích các nghiên cứu và phỏng vấn các nhà khoa học, để nhận ra rằng trong nhiều thập kỷ, người Mỹ đã dựa vào khuyến cáo sai lầm mà tuân theo chế độ ăn uống thiếu lành mạnh.
Cuộc chuyển đổi khẩu phần này không chỉ giới hạn trong giới dinh dưỡng học. Cảnh báo về sự nguy hại của chất béo đã thay đổi cơ bản ngành công nghiệp thực phẩm, lối sống và tuổi thọ của con người. Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chất béo bão hòa có phải là thủ phạm? Nếu bạn đã từng nghĩ như vậy mà kiêng chất béo trong nhiều năm qua thì Điều bất ngờ lớn về chất béo của Teicholz sẽ là một cuốn sách rất hấp dẫn.
Vụ án chống lại chất béo có vẻ rất dễ hiểu. Trước tiên, chất béo chứa nhiều calo hơn carbohydrate (gluxit, còn gọi là chất bột đường). Sau đó, chất béo bão hòa làm tăng mức cholesterol, do vậy bị coi là gây ra các vấn đề về tim mạch. Cuốn sách tranh luận với cái logic này một cách chậm rãi và cẩn trọng với nhiều phần dẫn giải và trích dẫn tài liệu, kết quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu về dinh dưỡng học, kể cả phương pháp luận của các nhà khoa học khác nhau. Phần này làm cho cuốn sách mang tính khoa học cao cho những bạn đọc quan tâm.
Bà Teicholz kể về những nhà nghiên cứu đã biến chất béo thành quỷ dữ. Trong số đó có Ancel Keys, giáo sư Đại học Minnesota, người nhờ công trình chống chất béo đã lên trang bìa tạp chí Time vào năm 1961. Ông ta giải thích tại sao đàn ông trung niên dễ chết vì cơn đau tim, cũng như đưa ra giải pháp: Ăn ít chất béo thôi! Công trình của Keys và một số người khác đã dẫn đến hướng dẫn chế độ dinh dưỡng của chính phủ Mỹ vào năm 1980: Giảm lượng thịt, sữa nguyên chất và các chất béo bão hòa khác. Trong nhiều thập kỷ, những nhà khoa học hoài nghi về lý thuyết này đều bị gạt ra rìa và không được đếm xỉa đến.
Tuy nhiên, sự miệt thị chất béo không đứng vững được trước những kiểm duyệt kỹ lưỡng hơn. Tác giả Teicholz khám phá ra nhiều vấn đề về phương pháp nghiên cứu tại nhiều thử nghiệm quan trọng tầm quốc gia. Những cuộc đại thí nghiệm này có vấn đề lớn trong phương pháp luận hoặc làm ngơ các kết quả quan sát thí nghiệm, làm cho nền tảng khoa học của khuyến cáo dinh dưỡng càng ngày càng chông chênh.
Rồi chính kiến của giới khoa học và chính phủ đã dẫn tới thay đổi đáng kể trong khẩu phần ăn của người dân. Các công ty thực phẩm mừng rỡ thay thế chất béo động vật bằng các loại dầu thực vật rẻ tiền hơn. Họ loại bỏ chất béo bão hòa khỏi thực phẩm và thay thế bằng dầu thực vật không bão hòa đa mà khi bị làm nóng ở nhiệt độ cao có thể gây hại. Lời khuyên ăn ít chất béo trở nên rất ngọt ngào với các công ty thực phẩm, vì khi ăn ít mỡ hơn, người ta thèm thứ khác. Cho tới gần đây, năm 1995, AHA vẫn khuyên ăn nhẹ bằng bánh quy, kẹo ít béo, kẹo cứng, kẹo cao su, đường, xi-rô, mật ong,… và các thực phẩm giàu carbohydrate khác. Nhờ những chỉ dẫn như vậy, năm 2000 lượng tiêu thụ carbohydrate của người Mỹ tăng 25% so với năm 1971.
Trong thập kỷ qua, ngày càng nhiều nghiên cứu đã đặt câu hỏi có cần phải tẩy chay chất béo không? Cuốn sách của bà Teicholz theo sau công trình của Gary Taubes, một nhà báo, nhà khoa học đã nghi ngờ về mối liên hệ giữa chất béo bão hòa và sức khoẻ trong hơn một thập niên. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy một thủ phạm lớn hơn là insulin, mà mức insulin tăng lên khi ăn carbohydrate. Tuy nhiên, ngay cả khi người ta chú ý nhiều hơn đến những mối nguy hiểm do đường gây ra, chất béo bão hòa vẫn còn bị nhạo báng. Theo tác giả cuốn sách, sự nghi kỵ với chất béo giờ đây không còn mang tính khoa học nữa, mà chỉ là nhiều thế hệ định kiến và thói quen.
Tại Việt Nam, có nhiều cảnh báo để thành quan niệm chung rằng cần giảm thiểu lượng chất béo, bơ, pho mát, mỡ động vật,… vì chúng là nguyên nhân gây béo phì, chưa kể tới vô vàn các hệ lụy kinh khủng khác. Rất nhiều người trong chúng ta đang cố gắng bóp mồm bóp miệng tránh những món ngon lành này, nhân danh cân nặng và sức khỏe.
Vậy, bạn hãy đọc cuốn sách này, để thở phào nhẹ nhõm mà tìm đến những thức ăn chúng ta vẫn thèm thuồng mà không dám ăn từ lâu nay. Điều quan trọng nhất thu nhận được là chất béo cần cho cơ thể và hãy ăn uống một cách cân bằng và lành mạnh.
Cuốn sách có thể hơi dài đối với một số độc giả, nhưng đừng dừng lại sau khi đọc xong lời giới thiệu và nghĩ là mình đã biết được thông điệp chính. Hãy ráng đọc hết, bởi với cách kể chuyện chắc chắn, đầy hình ảnh và dẫn chứng cụ thể, tác giả Teicholz đem tới cho bạn một nền kiến thức rất vững chắc, để ra các quyết định về chế độ ăn uống của mình.
Cuốn sách này có tương đối nhiều kiến thức mới, lạ, cùng nhiều từ ngữ chuyên môn về dinh dưỡng học, nên chắc chắn quá trình chuyển nghĩa vẫn còn nhiều sai sót. Nếu người đọc phát hiện ra bất cứ sai sót nào, hãy nhận lời xin lỗi chân thành trước từ người dịch và chính chúng tôi, những người đầu tiên sửa bản dịch và giới thiệu nó cho Thái Hà Books.
Điều chúng tôi thực sự muốn được chia sẻ với bạn đọc thật ra lại là những quan niệm vốn đã có từ lâu (vì từ ngàn đời trước, ông cha ta vẫn sống khỏe mạnh khi ăn đủ chất béo). Cho đến khi một cá nhân, vì lý do này hay lý do khác, đưa ra những lý thuyết gọi là mới. Để rồi, sau hơn nửa thế kỷ, tác giả cuốn sách chợt làm ta sửng sốt vì những quan niệm “khoa học” đã trót ăn sâu vào tiềm thức nhân loại, đã thành tiêu chuẩn của chế độ ăn uống khoa học và hiện đại – đột nhiên bị lật nhào.
Rất mong cuốn sách – mang tâm huyết của toàn thể đội ngũ cán bộ và nhân viên công ty Viet Healthy và TransViet – sẽ thật sự giúp cho độc giả có được những định hướng tốt hơn khi lựa chọn chế độ ăn uống chống bệnh tật, vì sức khỏe lâu dài. Trân trọng giới thiệu! Nguyễn Hải – Trần Bích Hà
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.