Cha Mẹ Non, Con Lớn Dại
Cha Mẹ Non, Con Lớn Dại
“BÍ KÍP CHỮA LÀNH” TÂM HỒN CHO NGƯỜI LỚN & LŨ TRẺ
Có lẽ trong mỗi con người chúng ta đều tồn tại nhiều góc tối của cảm xúc và tâm hồn. Có những góc tối chúng ta dễ nhận thức và tự “chữa lành”. Lại có những góc tối ghim thật sâu trong lòng. Chúng ta không hề hay biết sự tồn tại của chúng, hoặc nếu có, thì bản thân lại không biết làm sao để “sửa sai”. Nhiều góc tối ấy, dù muốn hay không, lại là “di chứng bền vững” từ những trải nghiệm thời ấu thơ của chúng ta với bố mẹ và những người thân. Không nhiều người có thể tỏ tường những tác động tiêu cực của di chứng ấy lên trên cuộc sống, các mối quan hệ, thành công và hạnh phúc của chính mình hôm nay.
Thế rồi, một cách “thầm lặng”, giờ đây chúng ta lại vô tình “đẩy” những đứa trẻ, con em mình sa vào “con đường xưa” mà chúng ta đã từng đi. Những đứa trẻ ấy rồi sẽ lớn lên như thế nào? Liệu chúng có bị “ám ảnh” bởi những góc tối của cảm xúc và tâm hồn như chúng ta, hoặc hơn thế nữa? Liệu chúng có thể tự xoay sở và gỡ rối cho bản thân giữa một cuộc sống và xã hội ngày càng phức tạp, nơi mà không ít đứa trẻ dễ bị người lớn vì quá bận rộn mà “ngoảnh mặt làm ngơ”? Liệu chúng lớn lên có được hạnh phúc và đong đầy trong cuộc sống? Và làm thế nào để giúp chúng có được một cuộc sống đầy kết nối hạnh phúc và hạn chế những góc tối bành trướng trong cõi lòng?
Cuốn sách này có lẽ là một chiếc chìa khóa “của hiếm” để người lớn tự soi rọi lại những góc tối của bản thân, cày xới mảnh đất cảm xúc và tâm hồn cằn cỗi của chính mình. Để rồi, ta có thể giúp cho lũ trẻ hướng đến một cuộc sống hạnh phúc hôm nay và mai kia. Kết nối cảm xúc và nuôi dưỡng tâm hồn của lũ trẻ, đó là một sứ mệnh mà người làm cha mẹ có lẽ không bao giờ được đánh rơi. “Cha Mẹ Non, Con Lớn Dại” sẽ giúp chúng ta giải đáp Vì Sao và Làm Thế Nào.
– TS. Nguyễn Chí Hiếu – CEO, Tổ chức Giáo dục IEG
————–
“Mặc dù chúng ta đã quen với lối nghĩ rằng những người lớn thường chín chắn hơn con trẻ, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một số đứa trẻ nhạy cảm chào đời và chỉ nội trong một vài năm lại già dặn về cảm xúc hơn cả cha mẹ chúng, những người đã sống vài thập kỷ? Điều gì xảy ra khi những bậc cha mẹ non cảm xúc này thiếu khả năng đáp ứng cảm xúc cần thiết phù hợp với nhu cầu tình cảm của con cái họ? Hậu quả là sự thờ ơ về cảm xúc, một hiện tượng có thực như bất kỳ khuyết tật thể chất nào.
Sự thờ ơ về cảm xúc thời thơ ấu dẫn đến cô đơn cảm xúc rất đau khổ, tác động tiêu cực lâu dài đối với những lựa chọn của một người trong các mối quan hệ và người thân. Cuốn sách này mô tả cái cách mà cha mẹ non cảm xúc đã ảnh hưởng tiêu cực đến con cái, đặc biệt là những đứa trẻ nhạy cảm. Cuốn sách còn chỉ cho bạn cách tự chữa lành những nỗi đau và dày vò bắt nguồn từ việc cha mẹ bạn từ chối những hành động tình cảm thân mật.
Cha mẹ non cảm xúc sợ thứ cảm xúc chân thật và rút lui mỗi khi cần gần gũi cảm xúc. Họ sử dụng các cơ chế đối phó để cưỡng lại thực tế hơn là xử lý nó. Họ không thích việc tự phản chiếu, vì vậy “họ hiếm khi nhận lỗi và xin lỗi. Sự non nớt khiến cho họ không nhất quán, không đáng tin về mặt cảm xúc và mù tịt về nhu cầu của con cái mỗi khi họ xem nhu cầu của chính mình mới là trên hết.” Trong cuốn sách này, bạn sẽ hiểu ra rằng khi cha mẹ non cảm xúc, nhu cầu tình cảm của con cái sẽ hầu như thất thế trước bản năng sinh tồn của chính cha mẹ.
Những bậc cha mẹ như vậy đều đã xuất hiện trong thần thoại và cổ tích trong nhiều thế kỷ. Hãy nhớ đến biết bao câu chuyện cổ tích kể về những đứa trẻ bị bỏ rơi, được các con vật hay những cứu nhân khác nuôi nấng vì cha mẹ của chúng bất cẩn, vô ưu hoặc biến mất. Trong một số truyện, nhân vật phụ huynh còn xấu xa và những đứa trẻ phải tự lo cho bản thân để sống qua ngày. Những câu chuyện này đã trở nên phổ biến hàng thế kỷ bởi chúng có cùng một hợp âm: những đứa trẻ phải tự bảo vệ mình ra sao sau khi cha mẹ ngó lơ hoặc bỏ rơi chúng. Rõ ràng, cha mẹ chưa trưởng thành đã là vấn đề từ xa xưa.
Chủ đề thờ ơ với cảm xúc này của những bậc cha mẹ chỉ biết mình là trên hết vẫn có thể được tìm thấy trong những câu chuyện hấp dẫn nhất của văn hóa ngày nay. Trong sách, phim ảnh và truyền hình, câu chuyện về những bậc cha mẹ non cảm xúc và những ảnh hưởng của họ đối với cuộc sống của con cái tạo nên một chủ đề phong phú. Trong một số truyện, kiểu tương quan cha mẹ – con cái này là tâm điểm; ở những truyện khác, nó là cái phông nền của một nhân vật. Khi bạn rõ hơn về sự non nớt cảm xúc trong cuốn sách này, bạn sẽ nhớ đến các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm kịch và văn học và cả trong tin tức hàng ngày.
Biết rõ những khác biệt của việc trưởng thành về cảm xúc giúp bạn hiểu được vì sao mình lại thấy trống vắng mặc dù những người khác đều khẳng định là họ yêu thương và gắn kết với bạn. Tôi hy vọng những gì bạn đọc sẽ trả lời các câu hỏi mà bạn đã có trong một thời gian dài, chẳng hạn như tại sao các tương tác của bạn với một số thành viên trong gia đình lại mang nhiều đau đớn và khó chịu đến thế. Tin tốt là bằng cách nắm bắt khái niệm về sự non nớt trong tình cảm, bạn có thể đưa ra những kỳ vọng thực tế hơn về người khác, chấp nhận mức độ cho phép trong quan hệ với họ thay vì cảm thấy bị tổn thương bởi sự thiếu phản hồi từ họ.
Các nhà trị liệu tâm lý từ lâu đã biết rằng việc tách biệt cảm xúc với cha mẹ độc hại là cách để khôi phục sự an yên và độc lập. Nhưng làm thế nào để được như vậy? Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu những gì chúng ta phải đối mặt. Những gì còn thiếu trong các nghiên cứu về kiểu cha mẹ tự cho mình là trên hết chính là lời giải thích đầy đủ vì sao khả năng yêu thương của họ lại có giới hạn. Cuốn sách này lấp đầy khoảng trống đó, bằng cách giải thích đơn giản rằng những bậc cha mẹ này thiếu sự trưởng thành về cảm xúc. Khi hiểu được đặc điểm của họ, bạn sẽ có thể tự đánh giá chừng mực nào trong mối quan hệ của bạn với cha mẹ là không thể hoặc có thể. Khi biết được điều này chúng ta trở về với chính mình, sống cuộc sống sâu sắc hơn và đúng với bản chất của chúng ta thay vì để tâm vào các phụ huynh không chịu thay đổi. Hiểu được sự non nớt trong tình cảm của cha mẹ sẽ giải phóng chúng ta khỏi ốc đảo Cô Đơn khi ta nhận ra sự thờ ơ của họ không phải do ta gây ra, mà là bởi họ. Khi chúng ta hiểu vì sao họ không thể thay đổi, chúng ta có thể được giải phóng khỏi những bức bối khó chịu và những nghi ngờ về sự đáng yêu của chính mình.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn sẽ hiểu ra tại sao một hoặc cả hai cha mẹ của bạn không thể cho bạn những tương tác giúp nuôi dưỡng tình cảm của bạn. Bạn sẽ biết đích xác tại sao mình thấy như người vô hình trước cha mẹ, và tại sao những nỗ lực có thiện chí trong giao tiếp của bạn không bao giờ cải thiện được điều gì.” (Trích Dẫn nhập – Cha mẹ non, Con lớn dại)
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.