“Người không vì mình trời tru đất diệt” là câu nói rất nổi tiếng của Tào Tháo. Nghe qua có vẻ như là đó quan điểm sống rất ích kỷ. Nhưng thực sự thì, nếu mỗi người không biết sống vì mình thì làm sao có thể biết sống vì người khác. Vậy nên nếu hiểu theo khía cạnh tích cực thì câu nói của Tào tháo có thể trở thành: “Nhiệm vụ đầu tiên của một người trưởng thành phải là biết cách yêu bản thân mình trước khi yêu được người khác”. Đó là những suy nghĩ chợt xuất hiện khi tôi đang đọc cuốn sách Bốn thỏa ước.
Có những tháng ngày đầu óc bận bịu quay cuồng đến độ nhìn vào những gáy sách dày cộp bày trên kệ mà thấy ngán ngẫm. Tôi thường quơ vội một cuốn sách mỏng nào đó với hi vọng có thể tìm được liều thuốc giúp nhanh chóng lên dây cót lại tinh thần. Bốn thỏa ước là cuốn sách như vậy, chia sẻ lại những tri thức căn bản về một lối sống hướng con người đến gần hơn tới hạnh phúc và tình yêu. Vì là những điều căn bản nên rất ngắn gọn. Vì nói về những nguyên tắc hướng tới tình yêu và hạnh phúc nên đây có thể là một liều thuốc bổ tinh thần đúng lúc.
Nó giống như là bạn đang ngồi thuyền trên một con sông mùa bão lũ, đang phải chật vật để không bị đánh chìm bất cứ lúc nào thì vừa may được rẻ vào một nhánh sông nhỏ dịu êm, cho phép bạn gác tay chèo, sắp xếp lại những thứ cần thiết để chuẩn bị cho chặng đường phía trước chưa biết dài hay ngắn, dễ chịu hay khó khăn thế nào.
Về cuốn sách bốn thỏa ước
Được xuất bản từ năm 1997, Bốn thỏa ước đã được phát hành 4 triệu bản ở rất nhiều quốc gia. Cuốn sách nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ người đọc trên khắp thế giới.
Cuốn sách được viết bởi Don Miguel Ruiz. Vốn đã là con người của thời hiện đại nhưng mang trong người dòng máu của những Toltec từ ngàn xưa ở Mexico. Toltec là tên gọi dành cho những người học tập và lưu giữ những hiểu biết của những bậc pháp sư thông thái từ thời xa xưa. Những tri thức này vốn được lưu truyền một cách bí mật. Và Don Miguel Ruiz là người mang những tri thức bí ẩn của Toltec đến với thế giới bên ngoài.
Trong cuốn sách, tác giả sẽ giúp người đọc hiểu rõ thế nào là tự do thực sự. Đồng thời, giải thích làm thế nào chúng ta từng chút một tạo ra những niềm tin tự giới hạn. Và từ đó khiến ta đánh mất tự do của chính mình. Đầu tiên bởi người khác và sau đó là bởi chính bản thân ta. Điều này đã bắt đầu ngay từ khi mỗi người còn là một đứa trẻ. Khi đó chúng ta đều không thể tự lựa chọn lấy điều gì mà mình sẽ tin tưởng.
Nhưng giờ đây, khi đã ở tuổi trưởng thành, chúng ta hoàn toàn có thể làm điều ngược lại. Đó là lấy lại tự do cho cá nhân bởi việc tuân thủ bốn thỏa ước:
- Không phạm tội với lời nói của bạn
- Không vơ mọi chuyện vào người
- Không giả định
- Luôn làm hết khả năng của mình
Nội dung của bốn thỏa ước hướng đến việc thay đổi cách ta sử dụng ngôn ngữ của bản thân. Thay đổi cách ta nhìn nhận những hành vi của người khác. Cuốn sách hướng dẫn đạt được sự đơn giản và minh bạch trong việc giao tiếp với chính bản thân và người khác.
Vài dòng cảm nhận
Như đã nói ở đầu bài, Bốn thỏa ước là cuốn sách hướng tôi suy nghĩ về chính bản thân mình nhiều nhất. Khao khát nhìn sâu vào tâm thức của mình và tìm hiểu đâu là điều thực sự làm mình cảm thấy hạnh phúc. Muốn hiểu những niềm tin của mình đã được hình thành như thế nào. Và liệu những niềm tin đó có đang cản trở bản thân cảm nhận hạnh phúc hay không. Cuốn sách khiến tôi mang những mảnh ký ức xưa cũ đem ra soi rọi dưới ánh sáng mặt trời.
Sau khi đọc hết cuốn sách, tôi nhận ra có vẻ như tôi là lầm khi mong rằng đây là liều thuốc lên dây cót cho tinh thần. Bởi vì một thông điệp được gửi gắm xuyên suốt cuốn sách là hãy thực hành. Đừng đợi đến lúc tinh thần phấn chấn lên. Bởi vì sẽ không có điều mới mẻ gì xảy đến nếu ta không làm gì cả. Thay vào đó hãy cứ hành động và luôn sẵn sàng cho ý nghĩ kết quả có thể sẽ không thực sự tốt ở mọi thời điểm trong đời.
Và cuốn sách sẽ chỉ dẫn nên hành động như thế nào để tạo ra thay đổi tốt nhất.
Một số nội dung trong cuốn sách, mặt dù là những tri thức từ xa xưa nhưng chúng lại gần giống với những kiến thức mà khoa học nhận thức thời hiện đại mới phát hiện ra. Con người xã hội hiện nay có vẻ như không khác gì so với tổ tiên ngày trước. Tuy vậy, một phần khác của cuốn sách vẫn mang màu sắc tâm linh huyền bí, như cảm giác mà tôi vẫn có khi nghĩ đến từ “pháp sư” vậy.
Đây là cuốn cẩm nang thích hợp dành cho người không thích phải ghi nhớ quá nhiều, như tôi chẳng hạn. Những nội dung quan trọng của cuốn sách được viết rất đơn giản, ngắn gọn. Giống như một trình bày các nguyên lý cơ bản để vận hành một cỗ máy. Ồ, kích thước của cuốn sách cũng chỉ cỡ một cuốn hướng dẫn sử dụng xe máy. Nên có thể gọi nó là sổ tay hướng dẫn thay đổi nhận thức. Từ ngữ được sử rất dễ hiểu, không đòi phải động não nhiều mới nắm bắt được, mà khó là ở lúc ta thực hành.
Bởi vì đơn giản không bao giờ có nghĩa là dễ dàng.
Thật vậy, nghe qua thì bốn thỏa ước có vẻ là những điều hiển nhiên mà mỗi người nên đối xử với chính mình và người khác. Nhưng vốn dĩ tâm thức ta đã quen với những niềm tin sẽ cản trở chúng ta làm theo bốn thỏa ước này. Nên bước đầu thực hiện tôi luôn thấy rất bối rối. Thực hành theo bốn thỏa ước này đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều thay đổi. Những thay đổi sâu sắc từ bên trong. Từ cách chúng ta trò chuyện với chính mình đến cách mà chúng ta đón nhận lời lẽ hay hành vi của người khác.
Và tôi có một chút băn khoăn là tác giả lặp lại rất nhiều câu kiểu như làm theo những thỏa ước này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn. Nghe rất giống giọng điệu trong mấy cuốn tự lực mà tôi đã tống khứ đi từ đời nào. Nhưng dù sao thì trong thâm tâm tôi vẫn đồng ý với những thỏa ước và lý giải của tác giả. Nên có lẽ lần đọc tới tôi sẽ tránh những đoạn khích lệ ấy ra vậy.
Kết
Có những cuốn sách để trau dồi hiểu biết, có những cuốn khác làm phong phú cảm nhận. Còn đây là cuốn yêu cầu thực hành-ở mức độ khó. Tưởng tượng chúng ta là một chiến binh trong cuộc chiến giành lại tự do cá nhân. Bốn thỏa ước chính là điều kiện cần thiết để dành chiến thắng. Còn điều kiện đủ tất nhiên là ở sự thực hành của bản thân mỗi người. Bởi vì cám dỗ “giữ nguyên trạng thái cũ” của chúng ta rất mạnh mẽ, do đó đừng nản lòng nếu những ngày đầu bạn chẳng có gì đổi khác. Hãy cố gắng thêm một chút nữa ở lần tiếp theo. Nhớ nhé.